Dòng sự kiện:
Đề xuất lập Tổng thư ký Quốc hội nhận được nhiều đồng tình
23/10/2014 11:08:43
ANTT.VN – Nội dung ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp Quốc Hội (22/10) tập trung thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), việc thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội được nhiều đại biểu đồng tình.

Tin liên quan

Đề xuất thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu. (Ảnh: SGGP)

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội là chức danh mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội. Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng chức danh Tổng thư ký là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, nhiễm nhiệm, cách chức, đồng thời cũng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tổng hợp, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng lập chức danh Tổng thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng thư ký. Đại biểu Tám đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung chức danh Phó Tổng thư ký Quốc hội giúp việc Tổng thư ký.

Tuy nhiên cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội và vai trò của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Được dẫn lời trên báo điện tử Chính phủ, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho biết, ông đồng tình với quy định lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất trong điều hành, chỉ đạo ban tham mưu giúp việc cho Quốc hội.

Theo ông Vinh, người đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, mà người nào hội tụ đủ các điều kiện thì được Quốc hội bầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định.

Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, báo Vnexpress đưa tin, theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo mà Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước đề xuất này, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) và Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cùng có chung ý kiến, khi người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì cần quy định thêm người này được quyền từ chức.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đưa ra đề nghị điều chỉnh thẩm quyền của đại biểu Quốc hội. Theo ông Nghĩa, dự thảo quy định đại biểu có quyền kiến nghị bằng văn bản, kiến nghị trực tiếp tại phiên họp toàn thể, tuy nhiên không nên chỉ kiến nghị vấn đề tín nhiệm mà phải mở rộng đối với tất cả vấn đề quan trọng của quốc gia.

Diệu Ly (tổng hợp)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến