Chiều 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo tờ trình của Chính phủ, xu thế ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là mở rộng cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em, môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết dự thảo luật lần này bổ sung nước giải khát (theo Tiêu chuẩn Việt Nam) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: Hồng Phong).
Việc này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên; dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, quy định này nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung "theo Tiêu chuẩn Việt Nam", vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Bên cạnh đó, theo ông Mạnh, một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, cung cấp các bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh (Ảnh: Hồng Phong).
Theo các ý kiến này, việc đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, nên nếu chỉ thu thuế đối với sản phẩm này, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo...).
Cũng theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá lượng tiêu thụ sản phẩm này tác động thế nào đến các đối tượng, vì người lao động, người nghèo thường sử dụng nhiều đồ uống này hơn các nhóm có thu nhập cao, thu nhập trung bình.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì mức tiêu thụ nước giải khát có đường của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Thống kê trên thế giới có khoảng 45 quốc gia quy định thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Cơ quan thẩm tra cho rằng việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường.
Bên cạnh đó, quy định này có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Tác giả: Hoài Thu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy