Điểm mặt những “con gà đẻ trứng vàng” của SCIC
18/12/2016 09:22:06
ANTT.VN – Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời điểm thích hợp thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn. Đây đều là những đơn vị sáng giá hàng đầu trong số hàng trăm doanh nghiệp mà SCIC đang nắm giữ cổ phần, có tổng giá trị thị trường xấp xỉ 100.000 tỷ đồng và chi trả hàng nghìn tỷ đồng cổ tức cho SCIC mỗi năm.

Tin liên quan

Công ty CP Sữa Việt Nam (HSX: VNM) – 39,7%

“Con gà” đẻ nhiều “trứng vàng” nhất cho SCIC không ai khác chính là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Vốn cổ phần của Vinamilk hiện là 14.515 tỷ đồng, giá trị vốn hóa 85.760 tỷ đồng. Sau khi bán bớt 5,4% cho 2 nhà đầu tư ngoại và thu về 11.300 tỷ đồng trong đợt đấu giá vừa qua, SCIC còn nắm giữ 39,7% vốn điều lệ của Vinamilk, quy ra giá thị trường hiện nay là hơn 34 nghìn tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk ở mức 7.536 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm. Với kế hoạch phân chia lợi nhuận năm 2015, SCIC nhận được 2.887 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk trong năm nay. Đại diện sở hữu của SCIC tại Vinamilk là ông Lê Song Lai. Ngoài ra, ông Lai còn là đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR); Tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) hay Công ty CP FPT.

Công ty CP Nhựa Bình Minh (HSX: BMP) – 37,1%

SCIC đang nắm giữ 175 tỷ đồng vốn cổ phần, tương đương tỉ lệ 37,1% tại Nhựa Bình Minh. Với giá cổ phiếu đang được giao dịch lên tới hơn 190.000 đồng, giá trị thị trường BMP mà SCIC đang nắm giữ lên tới 3.372 tỷ đồng. BMP là một trong những mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên cả 2 sàn HNX và HSX. Điều này không bất ngờ bởi Nhựa Bình Minh là một doanh nghiệp có lợi nhuận cao, ổn định, mức chia cổ tức lớn.

3 quý đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Nhựa Bình Minh đạt 663 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 111% kế hoạch năm. Với mức chia cổ tức 60% từ lợi nhuận năm 2015, SCIC nhận được 105 tỷ đồng trong năm nay từ BMP.

Công ty CP FPT (HSX: FPT) – 6%

FPT là doanh nghiệp có tỉ lệ sở hữu thấp nhất của SCIC, chỉ 6%. Tuy nhiên với giá trị vốn hóa lên tới 19.300 tỷ đồng, nếu SCIC thoái sạch vốn tại doanh nghiệp này theo giá thị trường, ngân sách sẽ thu về gần 1.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của FPT trong 9 tháng đầu năm đạt 2.012 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch năm. Năm 2016, SCIC thu về 55 tỷ đồng cổ tức được chia từ lợi nhuận năm ngoái.

FPT cùng Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang là 2 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn toàn bộ của SCIC trong năm nay. Tuy nhiên khi mà chỉ còn nửa tháng nữa là hết năm, vẫn chưa có động thái nào cho thấy 6% vốn nhà nước trong FPT sẽ được bán hết trong năm nay.

Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) – 50,2%

SCIC hiện nắm giữ 50,2% vốn điều lệ của Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), tương đương vốn góp 626 tỷ đồng. Công ty CP FPT cũng là cổ đông lớn của FPT Telecom khi chiếm 45,6% vốn điều lệ doanh nghiệp này. 3 quý đầu năm, FPT Telecom lãi trước thuế 849 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch năm, chia cổ tức năm 2015 ở mức 20%, trong đó SCIC nhận được 126 tỷ đồng.

FPT Telecom tuần trước đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán FOX. Theo đó, hơn 137 triệu cổ phiếu FOX sẽ được niêm yết sẽ được niêm yết trên sàn UPCoM, được cho là động thái chuẩn bị cho việc thoái toàn bộ vốn của SCIC trong nửa đầu năm sau.

Công ty CP Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) – 37,1%

Giá cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong đã tăng 28% trong năm nay, và luôn nằm trong số Top 4 mã có thị giá cao nhất tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Điều này không bất ngờ bởi theo Công ty chứng khoán ACBS, với hơn 56 năm kinh nghiệm sản xuất nhựa, Nhựa Tiền Phong cùng Nhựa Bình Minh là hai công ty sản xuất sản phẩm từ nhựa lớn nhất Việt Nam. Nhựa Tiền Phong hiện chiếm 70% thị phần khu vực phía Bắc và 29% thị phần cả nước, trong khi Nhựa Bình Minh lại “cát cứ” khu vực miền Nam với khoảng 50% thị phần, cả nước ước là 20%.

Lợi nhuận trước thuế của Nhựa Tiền Phong trong 9 tháng đầu năm đạt 320 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch năm. Vốn điều lệ tính tới cuối quý III là 744 tỷ đồng, giá trị vốn hóa 5.800 tỷ đồng. Với tỉ lệ chia cổ tức 25% từ lợi nhuận năm 2015, SCIC nhận được 58 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên nếu thoái hết 37,1% vốn góp theo thị giá hiện tại, số tiền ngân sách thu về có thể lên tới 2.150 tỷ đồng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) – 49,9%

Sa Giang là cái tên không mấy nổi bật trong danh sách. Song điều này không làm mã cổ phiếu SGC đang niêm yết trên sàn HNX bớt đi phần hấp dẫn trong mắt giới đầu tư. Vốn điều lệ của SGC tính tới cuối quý III/2016 ở mức 71,5 tỷ đồng, SCIC nắm 35,7 tỷ đồng, quy ra giá thị trường là 167,7 tỷ đồng. Mã cổ phiếu SGC gần như không có thanh khoản, 7 phiên liên tục vừa qua đều đứng giá 47.000 đồng và không có đơn vị nào được giao dịch, cho thấy mức độ cô đặc trong cơ cấu cổ đông của SGC.

Lợi nhuận trước thuế của SGC trong 9 tháng đầu năm đạt 25,5 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm, chủ yếu tới từ mảng sản xuất và kinh doanh các loại bánh phồng. Với tỉ lệ chia cổ tức lên tới 28% từ lợi nhuận năm 2015, SCIC nhận về 10 tỷ đồng trong năm nay. Sau khi có tin SCIC sẽ phải thoái hết vốn tại đây, lãnh đạo SGC đã khẳng định ban điều hành công ty có thể mua lại toàn bộ cổ phần bán ra. Cũng như FPT, SGC nằm trong kế hoạch thoái vốn năm nay của SCIC được công bố hồi tháng 6. Song khi mà chỉ còn 2 tuần nữa là hết năm, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy SCIC sẽ sớm bán cổ phần đang sở hữu ở đây.

Tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) – 50,7%

Bảo Minh là một trong hai doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối (cùng với FPT Telecom) tại danh sách này. Bởi vậy việc thoái vốn tại đây được dự đoán là phức tạp hơn những đơn vị còn lại. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm của Bảo Minh đạt 2.393 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 123 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch năm.

Bảo Minh tuy vẫn giữ được đà tăng trưởng, song tốc độ tăng chậm hơn các doanh nghiệp cùng ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Doanh thu của Bảo Việt tăng 21% trong 3 quý đầu năm, Bảo hiểm bưu điện PTI tăng 34%, Bảo hiểm dầu khí PVI không có số liệu trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên cũng đã chững kiến mức tăng tới 22% trong năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng thấp khiến Bảo Minh dần mất thị phần vào tay các đối thủ khác. Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính, sau nhiều năm giữ vị trí thứ 3 chỉ thua PVI và Bảo Việt, Bảo Minh đã mất vị trí này vào tay PTI. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ khiến Bảo Minh chỉ chia cổ tức với tỉ lệ 10% từ lợi nhuận 2015. Với việc nắm giữ 50,7% vốn cổ phần ở Bảo Minh, SCIC nhận được 41,1 tỷ đồng trong năm nay. Đại diện phần góp vốn của SCIC tại Bảo Minh là ông Lê Song Lai.

Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM) – 46,6%

HGM là “bé hạt tiêu” thứ 2 trong danh sách, với vốn điều lệ vỏn vẹn 126 tỷ đồng, được niêm yết HNX từ năm 2009. Cổ phiếu HGM hiện có giá 40.000 đồng với tính thanh khoản rất thấp, 10 phiên gần đây nhất không có giao dịch nào diễn ra.

Năm 2015, HGM chia cổ tức với tỷ lệ 15%. Số tiền mà SCIC nhận được là 8.9 tỷ đồng. Doanh nghiệp này năm nay dự kiến chia cổ tức 10% từ lợi nhuận năm 2016, tương đương 12,6 tỷ đồng. Nếu không có nhiều biến chuyển thì mục tiêu này khó lòng đạt được, khi mà lợi nhuận sau thuế của HGM trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6,5 tỷ đồng, bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 47% kế hoạch năm. Tình hình kinh doanh của HGM có dấu hiệu đi xuống khi lợi nhuận sau thuế giảm liên tục trong nhiều năm qua, từ mức 138 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 20,6 tỷ đồng năm 2015.

Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia (HNX: VNR) – 40,4%

Tái bảo hiểm được đánh giá là ngành nghề phát triển đầy tiềm năng. Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là TCT CP Tái bảo hiểm Quốc gia (VNR) và TCT CP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe). 9 tháng đầu năm, VNR ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm 1.270 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ, song doanh thu tài chính giảm mạnh khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 173 tỷ đồng, giảm 11% so với 3 quý đầu năm 2015.

VNR chia cổ tức năm 2015 với tỉ lệ 15%, trong đó SCIC nhận được 80 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện là 1.311 tỷ đồng, giá trị vốn hóa 2.753 tỷ đồng. Với tỉ lệ sở hữu 40,4%, số tiền mà ngân sách nhận được khi thoái hết vốn nhà nước tại đây có thể lên tới 1.100 tỷ đồng theo thị giá hiện nay (khoảng 21.000 đồng/ CP).

Công ty CP Hạ tầng BĐS Việt Nam (VIID) – 47,6%

Với việc FPT Telecom sắp lên sàn UPCoM, VIID là đơn vị duy nhất trong danh sách chưa niêm yết. Do vậy có rất ít thông tin về doanh nghiệp này. VIID được thành lập năm 2008 bởi SCIC và Công ty CP Cơ điện lạnh (HSX: REE). Vốn điều lệ là 410 tỷ đồng, trong đó SCIC góp 47,6%, tương đương 195 tỷ đồng, REE góp 41,5% (170 tỷ đồng). Chủ tịch HĐQT VIID bà Nguyễn Thị Mai Thanh chính là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ REE. Theo BCTC của REE, doanh nghiệp này nhận được 26,7 tỷ đồng tiền cổ tức từ VIID trong năm 2015. Đồng nghĩa với SCIC cũng nhận được 30,6 tỷ đồng trong kỳ theo tỉ lệ vốn đã góp.

Nghi Điền

 

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến