Điện thoại bẻ cong đầu tiên trên thế giới lộ diện
25/05/2016 06:53:23
ANTT.VN - Một công ty công nghệ ít tên tuổi của Trung Quốc đã thành công trong việc khám phá ra công nghệ để chế tạo một chiếc smartphone uốn cong đầu tiên trên thế giới, điều mà ngay cả những gã khổng lồ như Samsung cũng phải thèm muốn.

 

Theo Bloomberg, một doanh nghiệp vừa mới đi vào hoạt động tại Trung Quốc vừa công bố một công nghệ mang tính đột phá trong việc thiết kế điện thoại thông minh, công ty không đi sâu vào chi tiết và đặc điểm đặc trưng của công nghệ này. Nhưng với sự đánh giá của các chuyên gia, đây có thể là nút thắt quan trọng trong việc làm ra chiếc smartphone có thể uốn cong đầu tiên trên thế giới, công nghệ mà những gã khổng lồ như Samsung hay LG đều đã nghiên cứu từ rất lâu nhưng vẫn chưa có bất cứ bước đột phá nào đáng kể.

Công ty này có tên Moxi Group,có trụ sở tại Trùng Khánh- Trung Quốc, cho biết rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để cho ra mắt 100,000 thiết bị trong năm 2016. Chiếc điện thoại có giá 765$ này được thiết kế  có thể uốn cong và cuộn lại thành một chiếc vòng đeo tay, để bạn có thể đeo nó thoải mái trên cổ tay.

Màn hình cảm ứng của chiếc smartphone vẫn có thể hoạt động tốt khi uốn cong. Khi muốn sử dụng bình thường, bạn có thể kéo dãn chiếc smartphone này thành hình chữ nhật. Chiếc smartphone này gây ấn tượng mạnh không chỉ ở màn hình cảm ứng uốn cong, mà nó là chiếc smartphone đầu tiên có thể uốn cong cả phần thân máy, nghĩa là các linh kiện bên trong cũng phải được thiết kế đặc biệt.

Ở thời điểm hiện tại thì những phiên bản đầu tiên của chiếc smartphone này sẽ chỉ có thể hiển thị hai màu đen và trắng. Một phiên bản tiếp theo sẽ được cải tiến với màn hình hiển thị được đầy đủ màu sắc. Thế nhưng một chiếc smartphone uốn cong với màn hình đen trắng cũng là quá đủ để đưa công ty nhỏ bé này có thể vượt mặt rất nhiều ông lớn của làng công nghệ thế giới.

Phó Chủ tịch Chongsheng Yu của Moxi cho biết: “Phiên bản màn hình đen trắng là dễ dàng hơn  rất nhiều để thực hiện. Việc sử dụng màn hình màu sẽ phức tạp hơn, nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể làm được. Chiếc smartphone này sẽ được bán ra tại Trung Quốc, nhưng nếu có tiềm năng ở các thị trường nước ngoài thì chúng tôi cũng sẽ thử sức”.
Bí kíp để tạo ra một màn hình linh hoạt và có khả năng uốn cong của Maxi đó chính là tấm nền grapheme, nơi mà các phân tử cacbon được sắp xếp theo một cấu trúc tổ ong đặc biệt, giúp nó có thể dẫn điện và có tính đàn hồi tốt hơn.
Có thể nói khó khăn chung của tất cả những nhà thiết kế để làm ra một chiếc điện thoại uốn cong đó chính là họ có thể uốn cong được màn hình cảm ứng của máy, nhưng những linh kiện và pin thì họ không thể.
Và trên thực tế Moxi không thể làm cho pin và các linh kiện uốn cong, họ đã nghĩ ra một giải pháp khá thông minh. Đó là đặt toàn bộ các linh kiện và pin vào một đầu của chiếc smartphone này.
    
Như hình ảnh minh họa, chúng ta có thể thấy có một phần phía dưới của chiếc smartphone này sẽ không uốn cong mà cố định ngay cả ở hình dạng vòng tay. Đó chính là nơi đặt pin và các linh kiện của chiếc smartphone. Nhờ đó mà phần màn hình có thể uốn cong một cách thoải mái.

Vấn đề quan trọng nhất là ở khả năng hiển thị của màn hình uốn cong. Bởi theo ông Roel Vertegaal, giám đốc Media Lab và là người nghiên cứu công nghệ màn hình uốn cong trong nhiều năm: “Công nghệ duy nhất có thể sử dụng là mực điện tử e-ink, nhưng màu sắc hiển thị không chân thực và độ tương phản rất thấp, bạn thậm chí còn không thể xem được videos trên thiết bị sử dụng công nghệ này ”.

Ông Yu cũng đã trả lời thắc mắc này, ông cho biết chiếc smartphone này cũng sử dụng công nghệ e-ink để hiển thị hình ảnh. Đây là loại mực điện tử cũng được dùng trong các thiết bị Kindle của Amazon. Thế nhưng theo vị Phó Chủ tịch này thì công nghệ e-ink khi được sử dụng trên thiết bị của công ty này là  vượt trội hơn rất nhiều so với trước bởi vì những khả năng của màn hình cảm biến đã được cải thiện rất nhiều
Có thể Moxi chỉ là một con kiến ngay cả ở trong một thị trường có tới hơn 300 nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc, nhưng với một sản phẩm mang tính đột phá, tất cả đều hy vọng rằng hãng sẽ có thể thúc đẩy doanh số bán hàng, trong bối cảnh thị trường đang bắt đầu giảm tốc.

Hòa Bình

Tin liên quan

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến