Dòng sự kiện:
DNNN bỏ thầu hơp đồng dự trữ gạo quốc gia: Bài toán kinh tế hay trách nhiệm xã hội?
20/04/2020 10:48:53
24/28 doanh nghiệp (DN) đơn phương 'xù' thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng một vài cái tên trong số ấy lại nằm trong danh sách đăng kí xuất khẩu gạo tháng 4/2020. Đáng chú ý, trong đó có cả DNNN như Vinafood1.

Hủy thầu dự trữ, mở tờ khai xuất khẩu gạo

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), đến nay đã có 24/28 DN trúng thầu cung cấp gạo cho đơn vị này nhưng đơn phương hủy hợp đồng với tổng số lượng gạo lên tới 160.300 tấn. Được biết, cho tới thời điểm ngày 17/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới ký hợp đồng mua gạo của 2 DN trúng thầu được 7.700 tấn gạo (đạt 4% mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao). Hai DN còn lại, chỉ đồng ý kí cung cấp một phần số đã trúng thầu.

Danh sách các DN hủy thầu và cung cấp một phần của gói thầu dự trữ gạo quốc gia

Theo xác nhận của Tổng cục Hải quan, qua rà soát trên hệ thống công nghệ thông tin, đơn vị này đã phát hiện nhiều DN bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại mở được tờ khai xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo.

Doanh nghiệp

Số lượng gạo đăng ký thầu dự trữ gạo quốc gia (đơn vị: tấn)

Số lượng gạo đăng ký xuất khẩu (đơn vị: tấn)

Tổng công ty Lương thực miền Bắc

4.500

7.190

Công ty TNHH Phát Tài

17.940

13.630

Công ty cổ phần Mỹ Tường

900

10.650

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh

1.000

8.630

Được biết giá gạo tại châu Á đang đạt đỉnh trong 7 năm qua. Tại Thái Lan, dù đã giảm 40 USD trong tuần này, song giá gạo 5% tấm xuất khẩu vẫn ở mức cao, đạt 530 - 538 USD/tấn. Còn theo Reuters, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ - niêm yết giá gạo đồ 5% ở mức 375 - 380 USD/tấn trong tuần này. Đây là mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8 năm ngoái và tăng đáng kể so với 361 - 365 USD ghi nhận vào tháng trước. Những con số này đúng là "món hời" cho các thương nhân cũng như nông dân Việt Nam.

Bài toán kinh doanh hay đảm bảo ANLT quốc gia?

Trong danh sách các DN hủy thầu gạo dự trữ quốc gia, điểm mặt có 6 đơn vị nhà nước: Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh trúng thầu 17.855 tấn; Công ty cổ phần lương thực Cao Lạng trúng 14.080 tấn; Công ty cổ phần lương thực Đông Bắc trúng 2.400 tấn; Công ty cổ phần lương thực Yên Bái trúng 1.000 tấn; Công ty cổ phần lương thực Thái Nguyên trúng 1.320 tấn. Và tất cả các DN nói trên đều là những "đứa con" của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) - đơn vị trúng thầu 4.500 tấn gạo và đăng ký xuất khẩu được 7.190 tấn gạo.

Dễ thấy, trong danh sách bỏ thầu dự trữ, mở tờ khai xuất khẩu gạo, Vinafood1 là DN duy nhất là DN nhà nước, còn lại, 3 DN còn lại là DN tư nhân. Xét về chức năng, nhiệm vụ, căn cứ  theo Nghị định số 46/NĐ-CP phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có ghi rõ: “Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có nhiệm vụ quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh các mặt hàng lương thực, nông sản và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.”, nhiều người sẽ đặt ra hoài nghi rằng "có phải Vinafood1 nói riêng và các DN hủy thầu nói chung đang sai trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia?"

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Chia sẻ với phóng viên ANTT, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản xuất nông nghiệp của các nước đa số đều bị trì trệ, trong khi đó, nhu cầu lương thực lúc này là cao hơn bao giờ hết. Điều này đã đẩy giá mặt hàng gạo lên cao, đó là tất yếu. Và trong kinh doanh, khi DN thấy được lợi nhuận và tận dụng cơ hội để "nhảy" vào (vì đó là quyền lợi của họ) thì đây cũng là chuyện đương nhiên.

Có điều, ông Hiếu đánh giá việc "thoái lui" của các DNNN trong tình cảnh này là không phù hợp: "Những Công ty có vốn của nhà nước là những công ty phải phục vụ quyền lợi chung của đất nước trước quyền lợi riêng của DN. Công ty nào cũng phải chạy theo lợi nhuận. Khi có nhiều lợi nhuận, họ đóng thuế càng nhiều càng tốt cho quốc gia. Nhưng đó không phải ưu tiên hàng đầu của các DNNN. Xin nhắc lại, các Tổng công ty Việt Nam phải đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu."

Vị chuyên gia này chỉ trích việc những DNNN này đi tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra đề xuất: "Trong hoạt động xuất khẩu và dự trữ lương thực, Chính phủ cần có chính sách về an ninh lương thực thật chặt chẽ để có thể điều khiển, chỉ huy các DN để có thể kiểm soát được hoạt động phân phối và xuất khẩu gạo của nước ta. Hiện nay chúngng ta mới chỉ có kế hoạch ứng khó với tình huống hiện tại (về vấn đề xuất khẩu gạo), vẫn thiếu một chính sách về an ninh lương thực để các DN dựa vào và cân đối, như vậy mới có quyết định phù hợp."

Luật sư Trương Thanh Đức

Tuy vậy, góc nhìn của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO lại có phần khác biệt về vai trò của DNNN trong việc đảm bảo an ninh lương thực.Ông Đức cho biết, với DNNN hay DN tư nhân trong cuộc chơi này đều cùng chơi một luật. Nếu như DNNN có trách nhiệm phải bảo toàn vốn, phải làm lợi cho nhà nước và chịu trách nhiệm trước các hoạt động của DN thì việc lựa chọn lợi nhuận là hoàn toàn chính đáng.

Trong trường hợp nếu DNNN vẫn giữ hợp đồng dự trữ gạo quốc gia với giá trị nhỏ hơn giá trị xuất khẩu thì DNNN có thể bị truy cứu chịu trách nhiệm vì đã làm thất thoát vốn, không bảo toàn được vốn. Có thể thấy, DNNN còn "khó xử" hơn tư nhân trong câu chuyện chạy theo lợi nhuận này.

Ông cho rằng: "Mọi người đang lên án không đúng vì đây không phải vấn đề về cứu trợ, nhân đạo, mà là bài toán kinh doanh. Về luật pháp, Luật đấu thầu đã qui định rõ, đấu thầu trong nước, đấu thầu ngoài nước tham gia rồi mà không kí hợp đồng hoặc kí hợp đồng nhưng không thực hiện thì sẽ mất tiền bảo đảm dự thầu (tiền cọc)."

Ông Đức phân tích, trường hợp của các DN xuất khẩu gạo là bài toán kinh tế, khi giá gạo bất ngờ tăng bất thường, nếu doanh nghiệp cung cấp cho dự trữ quốc gia thiệt hại của doanh nghiệp sẽ rất lớn, thậm chí phá sản. Do đó, không thể tránh khỏi trường hợp doanh nghiệp chấp nhận mất cọc vài trăm triệu đồng để hủy hợp đồng.

Căn cứ vào qui định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu từ chối thương thảo hoặc từ chối hoàn thiện, kí kết hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận số tiền bảo đảm dự thầu là 1,5 - 3% giá trị gói thầu căn cứ qui mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể. Số tiền này sẽ bị thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Ngày 17/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phát hồ sơ trên hệ thống để đến ngày 12/5 tới, tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia, bao gồm cả hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước của 28 doanh nghiệp trúng thầu nhưng phần lớn đã từ chối không ký hợp đồng để bàn giao gạo.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước dự kiến hoàn thành nhập kho hơn 180.000 tấn gạo trong tháng 6 tới, chậm hơn kế hoạch ban đầu 15-30 ngày.

Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quán triệt đến các Cục dự trữ Nhà nước phải khẩn trương tổ chức mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao 190.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2020.

Tổng cục Dự trữ Nhà Nước cho biết, những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng rất ít, không quá ảnh hưởng đến nguồn dự trữ quốc gia hằng năm. Tuy nhiên, năm nay, mới xuất hiện hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức đảm bảo dự thầu cao hơn hoặc thêm chế tài xử lý khác.

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, mức thu số tiền đảm bảo dự thầu bằng 1-3% giá trị gói thầu chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi thị trường có biến động tăng giá cao.

Tại lần đấu thầu trước đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới chỉ ký hợp đồng mua được 7.700 tấn gạo (đã nhập kho 3.280 tấn). Trong đó, 2 doanh nghiệp ký đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, còn lại 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng.

Thu Trang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến