Doanh nghiệp lao đao vì tôn nhái
26/11/2014 15:54:54
ANTT.VN – Theo đánh giá của Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên diện rộng ở nhiều tỉnh trong cả nước và xảy ra trong thời gian dài.

Tin liên quan

Nhận diện tôn giả, tôn nhái

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, ông Nguyễn Văn Sưa, ngành thép VN trong những năm gần đây phát triển khá nhanh và là một ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong 10 tháng đầu năm 2014 ngành thép đã sản xuất được 10 triệu tấn, dự kiến cả năm 2014 có thể đạt 12 triệu tấn, tăng 18% so với năm 2013.

Hội thảo về vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép diễn ra sáng 26/11 (Ảnh: Kiều Chinh)

Hiện cả nước có 15 công ty lớn nhỏ và một số cơ sở sản xuất thép mạ và phủ màu, tổng năng lực sản xuất lên tới 4 triệu tấn/năm, các nhà máy sản xuất tôn thép tập chung chủ yếu ở phía Nam, miền Bắc chỉ có một vài nhà máy. Ngành sản xuất thép mạ và phủ màu nước ta đang chiếm vị trí số một trong các nước ASEAN. Trong 10 tháng đầu năm 2014 ngành tôn thép VN mới phát huy được khoảng 60% năng lực và phải xuất khẩu một số lượng lớn là 664.000 tấn mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2014 các công ty thương mại đã nhập khẩu khoảng 500 nghìn tấn tôn các loại, chủ yếu ở Trung Quốc về tiêu thụ trong nước.

Với các mặt hàng tôn thép mạ và phủ màu bằng mắt thường rất khó nhận biết được chất lượng như về độ dày, chất lượng mạ phủ. Muốn xác định được chính xác các tính chất này đòi hỏi phải có các thiết bị chuyên dụng và người có trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, đại đa số người tiêu dùng chưa nắm được luật pháp về chất lượng, in mẫu mã và chưa ý thức được quyền lợi của mình.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN - ông Nguyễn Văn Sưa (Ảnh: Kiều Chinh)

“Trong bối cảnh nêu trên hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên diện rộng, từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng có, hiện tượng này xảy ra trong thời gian dài và đến nay chưa kết thúc”, ông Sưa nói.

Các mặt hàng tôn nhái, giả thường biểu hiện như in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của nhà sản xuất có uy tín trong ngành thép in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng không đúng quy định về quy cách, kích thước, chất lượng, đặc biệt là gian lận độ dầy tôn; không xuất hóa đơn; nhập hàng từ Trung Quốc kém chất lượng rồi in nhãn mác, thương hiệu uy tín trong nước vào. “ Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến mọi tầng lớp trong xã hội, doanh nghiệp chân chính bị mất uy tín, làm giảm thị phần các nhà sản xuất trong nước, giảm doanh thu và thu nhập của người lao động trong các cơ sở sản xuất tôn trong nước, ngân sách nhà nước bị thất thu thuế hàng tỷ đồng/năm, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh và một điều quan trọng nữa là người tiêu dùng bị “ móc túi”, chất lượng công trình không được đảm bảo...”

Khách hàng bị “móc túi”, doanh nghiệp lao đao

Bày tỏ sự lo ngại và bức xúc trước tình trạng tôn nhái, tôn giả đang ngập tràn trong thị trường trong nước, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính, chúng tôi vô cùng bức xúc trươc tình trạng hàng nhái, hàng giả đang hoành hành như hiện nay, điều này không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến lợi nhuận và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà ở tầm vĩ mô còn ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế đất nước”.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (Ảnh: Kiều Chinh)

Ông Vũ cũng cho biết, các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái sử dụng các hình thức gian lận thương mại để “ móc túi” người tiêu dùng rất tinh vi, một số doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm tôn không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách tẩy xóa độ dày thực thế của sản phẩm và in lại để nâng độ dày của tôn… Một trong những cách đơn giản để nhận biết là những cuộn tôn bị “ đôn dem” thường có ký hiệu là MSC hoặc MC trong chuỗi mã ký hiệu mặt sau của tấm tôn. Ngoài ra, mắt thường có thể nhìn mặt sau của tấm tôn in độ dày, tôn kém chất lượng chỉ ghi  độ dày là 0.35 hoặc 0.4 thay vì viết đầy đủ là 0,35mm và 0,4mm, thậm chí là sự tiếp tay của các doanh nghiệp nhỏ lẻ sản xuất hàng kém chất lượng theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp để đánh lừa người tiêu dùng.

“Là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôn thép chân chính, Tập đoàn Hoa Sen của chúng tôi đã và đang gánh chịu những tác động tiêu cực từ thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường hiện nay như: Hàng giả làm giảm uy tín thương hiệu và gây tâm lý hoang mang, nghiêm trọng hơn là mất lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ, cụ thể, năm 2013 chúng tôi chiếm 39,31% thị phần tôn, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2014 chúng tôi bị giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái, điều này khiến chúng tôi mất tương đương gần 45 nghìn tấn trong năm 2014 dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng, làm giảm hiệu xuất sử dụng máy móc, thiết bị, môi trường kinh doanh không lãnh mạnh vừa làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng vừa triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh…” ông Vũ nói.

Theo tính toán của Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Tôn Hoa Sen, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4 nghìn đến 6 nghìn đồng/m tôn…
 
Chưa phát hiện sai phạm gì

Đại diện Tổng Cục Hải quan, ông Trần Việt Hưng, Phó đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2014 cả nước nhập khẩu 9,43 triệu tấn sắt thép các loại, kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,26 tỷ USD, tôn mạ nhập khẩu năm 2014 dự kiến khoảng 700 nghìn tấn. Hiện cả nước có 146 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng tôn các loại về VN, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khoảng 3.500 tỷ đồng, với khối lượng khoảng 530 nghìn tấn, trong đó mặt hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 80%.

Ông Trần Việt Hưng, Phó đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu (Ảnh: Kiều Chinh)

“Tại khâu nhập khẩu, các mặt hàng tôn, thép bị phát hiện sai phạm chủ yếu là khai báo sai về tên hàng, mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế, khi kiểm tra thực tế hàng hóa, việc khai báo về nguồn gốc xuất xứ về cơ bản đến nay chưa phát hiện sai phạm gì, năm 2014 cơ quan hải quan đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép các loại, các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu khi nhập khẩu mặt hàng này về VN là khai sai tên hàng hóa và mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế”, ông Hưng nói.

Về các vấn đề phát sinh, ông Hưng cho biết, việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu hiện chính sách pháp luật đối với việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu nói chung cũng như hàng tôn thép nói riêng còn nhiều bất cập, do quy định cho phép người nhập khẩu có thể bổ sung các thông tin trên nhãn bằng cách ghi nhãn phụ, nên việc xác định gian lận trong việc ghi nguồn gốc, xuất xứ trên nhãn hàng hóa tại khâu nhập khẩu thường không kiểm soát được.

Trong khi đó, theo thông tư liên tịch số 44 giữa Bộ Công thương và Bộ Khoa học công nghệ quy định, các nhà nhập khẩu phải công bố rõ tiêu chuẩn của sản phẩm mình nhập khẩu về, từ đó có căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm có hợp chuẩn hay không. Nhưng trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng với mặt hàng này, do việc quy định biên độ co giãn giữa các chỉ số chất lượng của sản phẩm thép quá lớn nên cũng là một khe hở để các doanh nghiệp lợi dụng để gian lận về chất lượng khi đưa vào tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Việc áp dụng mã thuế để tính thuế đối với mặt hàng này còn nhiều vướng mắc, thuế suất còn chênh lệch khá lớn, ông Hưng dẫn chứng: Ví dụ, mặt hàng khai báo mã 72104991 có thuế suất là 20% nhưng những loại tôn khác thuế suất là 10%, 5%, 0%. Cùng một loại tôn nhưng việc khai báo tên hàng khi nhập khẩu khác nhau sẽ dẫn đến việc áp mã khác nhau, trong biểu thuế không có tên hàng là tôn, việc áp dụng mã phụ thuộc vào các yếu tố như độ dày, thép có hợp kim hay không hợp kim, có tráng mạ màu, cán nóng hay cán nguội mà chỉ có các tên là “ thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng, cán nóng, cán nguội có độ dày khác nhau, thép dạng lá, dạng cuộn…” Do việc áp mã thuế còn phức tạp nên dễ dẫn đến khi nhập khẩu doanh nghiệp khai báo một loại, bán ra thị trường lại quảng cáo là loại khác, tạo điều kiện để các đối tượng gian lận về chất lượng.

Bàn về giải pháp khắc phục, theo ông Nguyễn Văn Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội thép VN cho rằng, với cơ quan nhà nước, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý để quản lý triệt để chất lượng tôn thép như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về tôn thép mạ và phủ màu, ghi nhãn mác phức tạp hơn tránh việc in nhãn mác giả dễ dàng như hiện nay; cơ quan thực thi pháp luật cần vào cuộc một các đồng bộ hơn quyết liệt hơn…, tăng cường tuyên truyền chống hàng nhái, giả, gian lận thương mại. Với doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, có ý thức trách nhiệm bảo vệ thương hiệu của mình và phối hợp với cơ quan chức năng thực thi pháp luật để triệt tiêu các hiện tượng hàng nhái, hàng giả và gian lận thương mại. Với người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và ý thức được quyền của người tiêu dùng được pháp luật quy định để tự bảo vệ mình.

Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến