Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp Nhà nước ghi nhận tổng doanh thu gần 690.000 tỷ đồng
14/09/2023 16:00:49
Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, dự kiến cả năm sẽ đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra.

DNNN đóng góp 28% thu ngân sách Nhà nước

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng, nhưng khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp.

Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ (Ảnh: Hữu Thắng).

Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội.

Trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.

DNNN cũng đóng góp vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế, như: Viễn thông, công nghệ thông tin (chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất), hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng; cung cấp nguyên vật liệu sản xuất dầu vào quan trọng cho nền kinh tế (xi măng, hóa chất cơ bản, các nguyên, vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm...); cung cấp dịch vụ công ích...

Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.

Năm 2023, tính đến 30/6, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Lũy kế đến tháng 8/2023, một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn gồm: PVN đạt 350.525 tỷ đồng, bằng 84,7% kế hoạch năm và 94,4% so với cùng kỳ năm 2022; EVN đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2022, Petrolimex đạt 169.000 tỷ đồng, bằng 88,9% kế hoạch năm và 84% so với cùng kỳ năm trước liền kề), TKV đạt 112.100 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm và 101% so với cùng kỳ năm 2022…

Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của chiến tranh Nga-Ukraine và các bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó, thua lỗ

Đáng giá chung năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Bộ KH&ĐT cho rằng, về cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước.

Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

EVN là một trong những DNNN kinh doanh thua lỗ trong năm 2022 (Ảnh:Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, tỉ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…

Bộ KH&ĐT cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đồng thời, đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch về hoạt động của DNNN.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến