Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp vận tải trước nguy cơ phá sản vì dịch COVID-19
30/07/2021 06:22:18
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều hãng vận tải ô tô khách tại Thanh Hóa hoạt động cầm chừng, lay lắt. Hàng chục xe phải đắp chiếu ngừng hoạt động vì càng chạy càng thua lỗ.

Lao đao vì dịch COVID-19

Lúc chưa có dịch, các ô tô chở khách đi các tuyến Sài Gòn, Bình Dương, Bình Phước, Sa Pa, Lai Châu, Điện Biên, Móng Cái, Quảng Ninh của Công ty TNHH và TMDL Hải Định (Công ty Hải Định) ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) luôn chật kín khách. 18 xe hoạt động liên tục thậm chí không đủ phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng.

Song, từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ năm ngoái, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm. Và đến khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện, nó như một cú đánh mạnh giáng vào ngành du lịch, vận tải khiến nhà xe "đổ gục".


Nhiều xe của doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động do dịch COVID-19

Đã nhiều tháng nay, hầu hết xe của công ty đều trong tình trạng nằm sân chờ đợi phép màu dịch qua đi.

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Công ty cho biết, thì nếu không có dịch, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến thế nhưng từ năm ngoái đến nay hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch.

Từ 30/4 đến nay, nhà xe chỉ chạy được vài xe đến tháng hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Lúc chưa cấm xe thì nhiều tuyến cũng phải nghỉ do không có khách hoặc khách quá ít mà không đủ tiền dầu máy.

"Xe nằm một chỗ lâu ngày dẫn đến xuống cấp, hư hỏng buộc phải liên tục có thợ bảo dưỡng, sửa chữa… Chi phí cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến tiền lãi suất hàng tháng. Mong sao dịch sớm được kiểm soát để chúng tôi có thể hoạt động trở lại", bà Hải ngao ngán.

Xe không chạy, không có doanh thu để trả lương nên buộc công ty phải cho lao động nghỉ việc. Trước dịch có 94 lao động, đến giờ chỉ còn 6 lao động. Lao động được giữ lại là kế toán, một số thợ sơn, thợ bảo dưỡng, sửa chữa xe.

Cùng cảnh ngộ như Công ty Hải Định, Công ty TNHH TMDV Vận tải và du lịch Bình Hoài (Công ty Bình Hoài, Thanh Hoá) cũng có 17 xe với hơn 20 lao động chạy tuyến Thanh Hoá - Hà Nội.

"Dù biết người lao động phải nghỉ, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, thế nhưng công ty cũng không thể hỗ trợ được gì vì chúng tôi cũng thật sự rất khó khăn", bà Trịnh Thị Bình, Giám đốc Công ty Bình Hoài chia sẻ.

Mong nhận được chính sách hỗ trợ

Mặc dù tìm đủ mọi cách để giúp người lao động không bị mất việc, thế nhưng Công ty Cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa (TP Thanh Hoá) vẫn buộc phải cắt giảm 20% nhân sự. Khi chưa dịch, công ty có 97 lao động thì hiện chỉ còn 70 lao động.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực xe bus. Thời điểm chưa dịch, công ty có 25 xe bus hoạt động, hiện nay chỉ hoạt động 50%, cắt giảm cả số xe và tần suất các chuyến. Dù địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang kiểm soát được tốt dịch COVID-19, song lo ngại dịch, người dân không còn mặn mà với phương tiện công cộng.

Doanh nghiệp của ông Long thời điểm chưa dịch có 25 xe bus hoạt động, hiện nay chỉ đang hoạt động 50%, cắt giảm cả số xe và tần suất các chuyến. Doanh thu mang lại chỉ đủ tiền dầu, không đủ chi trả lương cho các lao động và chi phí khác.

"Giờ đây, việc duy trì các tuyến xe bus là rất khó khăn do thua lỗ. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị với tỉnh xin được tạm dừng hoạt động xe bus trong 1 tháng nhưng chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh", ông Long nói.

Để giải cứu các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa đưa ra một số đề xuất. Thứ nhất, đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp giãn nợ bảo hiểm đến tháng 12/2021. Thứ hai, đề nghị các ngân hàng nghiên cứu hỗ hợ các doanh nghiệp vận tải cơ cấu nợ - giãn vay, không nhảy nhóm nợ. Cho vay các gói chính sách với lãi suất đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh.

Nói về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ của Chính phủ tới đây, ông Lê Xuân Long cho rằng, doanh nghiệp mừng vì Chính phủ đã có những chính sách kịp thời động viên, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng do một số quy định khi vận dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận được.

"Nên có những đánh giá khách quan, thực tế về thiệt hại của các đơn vị vận tải để có những hỗ trợ thiết thực, cứu lấy doanh nghiệp khỏi cơn nguy khó này", ông đề xuất.

Trước đó, để thực hiện nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng Dự thảo kế hoạch với nhiều nội dung quan trọng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị chức năng chủ trì thực hiện 12 chính sách hỗ trợ.

Ví dụ như Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội cấp huyện chủ trì thực hiện nội dung chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị có liên quan chủ trì thực hiện nội dung chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện nội dung hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch…

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến