Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới?
29/12/2014 15:49:33
ANTT.VN – Nhằm hỗ trợ sự phát triển của nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhất là trong điều kiện hội nhập cũng như đóng góp ngày càng gia tăng của khối doanh nghiệp này, các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai rất nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa nhỏ và các hộ sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan

Năm 2014 sắp đi qua, đánh dấu một năm của sự thay đổi và là bản lề cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung cũng như khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Với nhiều chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng như thông tư 36/2014/TT – NHNN, luật đầu tư sửa đổi (Dự thảo đã được thông qua) hay những tác động tích cực từ những chính sách đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014 như nghị định 92/2013/NĐ – CP, có thể nói năm 2014 là năm mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận được rất nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sau này đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

doanh_nghiep_vua_va_nho_antt

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thử thách

Trong cuộc họp báo thường kì hôm 28/10 và 29/10, phó thống đốc ngân hàng nhà nước – bà Nguyễn Thị Hồng cho biết nhằm hỗ trợ tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, trần lãi suất huy động sẽ giảm xuống còn mức 5,5% và trên cơ sở đó các ngân hàng  sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 7% đối với 5 lĩnh vực được ưu tiên trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời bà kêu gọi cắt giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống còn 10% tức là giảm từ 0,5 – 1% so với mức trần lãi suất lúc đó.

Đáp lại lời kêu gọi, đại diện bên phía các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) thống nhất sẽ hạ trần lãi suất cho vay cả ngắn, trung và dài hạn ngay để chia sẻ cũng như hài hoà lợi ích với các doanh nghiệp. Và ngay sau đó, lời kêu gọi này đã được cụ thể thể hoá bằng văn bản theo quyết định số 2172/QĐ – NHNN quy định về mức trần lãi suất cho vay đối với tổ chức tín dụng.

Không chỉ có hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước , các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay cũng tung ra rất nhiều chương trình ưu đãi dành cho phân khúc khách hàng này. Đặc biệt là trong năm 2014.

Bao Viet Bank ra mắt chương trình 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất 6.99% dành cho các doanh nghiệp vừa nhỏ, ngoài ra khách hàng còn được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác như chuyển khoản miễn phí trong hệ thống và giảm 20% phí chuyển tiền khác hệ thống.

Hay như Sacombank tung ra gói 2.500 tỷ hỗ trợ các doanh nghiệp mới với lãi suất chỉ 7%, sản phẩm này hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực  xuất nhập khẩu; nông lâm thủy sản; dược phẩm, y tế; xăng dầu, vận tải; nhà hàng, du lịch, khách sạn; hóa chất; dệt may, da giày; linh kiện điện tử, thực phẩm và hàng tiêu dùng trên toàn quốc.

Không chỉ có sự hỗ trợ từ các ngân hàng trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhận được sự trợ giúp khá ưu đãi đến từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Với sự trợ giúp vốn từ các tổ chức này, ABbank triển khai chương trình hỗ trợ cho vay trung, dài hạn đối với doanh nghiệp SME (SMEFPIII) với lãi suất giảm chỉ còn 4%/năm. Đây là một dự án hợp tác giữa hệ thống ngân hàng thương mại cùng với Ban Quản lý các Dự án tín dụng quốc tế – NHNN Việt Nam thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Chương trình này có tên là SMEFP nhằm hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ cho mục đích sản xuất với lãi suất ưu đãi, số tiền cho vay lên đến 85% giá trị dự án, thời hạn cho vay dài  lên đến 10 năm cùng với thời gian ân hạn 2 năm. Không chỉ có ABbank, hiện nay có rất nhiều ngân hàng thương mại có chương trình ưu đãi như vậy như Vietinbank, OceanBank…..Cho đến nay, dự án này bước sang giai đoạn thứ 3.

Ngoài ra, không thể không nói tới tác động tích cực đến từ các yếu tố vĩ mô. Với việc thông tư 36/2014/TT - NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thay vì mức 30% trước kia, có thể nói đây là một bước tạo đà cho việc tăng nguồn cung vốn cũng như giảm lãi suất trên thị trường trung và dài hạn. Giờ đây, khối các doanh nghiệp SME đang đứng trước cơ hội được tiếp cận với vốn vay dễ dàng hơn với mức lãi suất cũng “dễ thở” hơn.

Không chỉ có thể, hành lang pháp lý, thủ tục hành chính dần được hoàn thiện cũng tạo điều kiện không nhỏ cho doanh nghiệp có thể chớp lấy cơ hội kinh doanh cũng như giảm bớt các thủ tục dông dài, phiền toái. Ngày 15/11/2014, Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP quy định về thuế chính thức có hiệu lực, theo đó có rất nhiều thủ tục sẽ bị cắt giảm và theo tính toán con số cắt giảm được lên đến 88,36 giờ thực hiện khai và nộp thuế của người nộp thuế. Một sự cải cách rất đáng hoan nghênh.

Bên cạnh những thuận lợi, không thể không nói tới những thách thức mà doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt. Năm 2015, là năm mà Việt Nam sẽ tham gia các sân chơi lớn mang tầm khu vực cũng như quốc tế như Hiệp định Châu Á Thái Bình Dương TPP hay Cộng đồng kinh tế AEC. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với rất nhiều đối thủ đến từ khắp nơi trên thế giới. Và với sự trợ giúp “hết mình” thông qua chính sách của nhà nước liệu rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sẵn sàng để bước vào năm 2015 đầy thử thách ?

N.M

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến