Dòng sự kiện:
Năm 2014 - Năm của doanh nghiệp Việt tại Myanmar
29/12/2014 10:50:05
ANTT.VN – Năm 2014, nhận định được tiềm năng phát triển của thị trường Myanamar, các đại gia đầu ngành bất động sản, viễn thông hay tài chính ngân hàng Việt Nam đều có ý định và thực hiện những dự án đầu tư khổng lồ tại đây.

Tin liên quan

Bất động sản: Bầu Đức và ước vọng nghìn tỷ tại Myanmar

Sau khi tiến hành lễ khởi công dự án HAGL Myanmar Center tại khu vực đắc địa nhất Yangon, thành phố lớn nhất và là cửa ngõ quan trọng đón du khách quốc tế của Myanmar, HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch tại đây mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% số vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tiềm năng này. Tham vọng của vị chủ tịch Đoàn Nguyên Đức không dừng lại ở quy mô là sự hợp tác giữa tập đoàn HAGL với chính phủ các nước ASEAN, mà đây là thương vụ đầu tư mang tầm vóc quốc gia, khi mà Việt Nam cũng có thể đầu tư phát triển kinh tế cá nước Đông Nam Á giống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.

Phối cảnh tổng thể dự án HAGL Myanmar Center

Đây được xem là dự án trọng điểm của Tập đoàn HAGL xây dựng trên diện tích đất 73.358 m2, có quy mô đầu tư lớn nhất, hoành tráng nhất của HAGL hiện nay. Dự án này cũng sẽ là trung tâm văn hóa – kinh tế của Việt Nam tại Myanmar với tổng mức đầu tư lên đến 440 triệu USD, được đầu tư theo hình thức BOT với thời gian 70 năm và chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong quý I/2015 với một trung tâm thương mại và hai tòa cao ốc cho thuê văn phòng hạng A cao 26 tầng, khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô hơn 400 phòng.

Chủ tịch HAGL dự báo, thị trường bất động sản Myanmar sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hệ thống luật tại đây đang được xây dựng theo chiều hướng hiện đại, tích cực, cởi mở. Nhà đầu tư nước ngoài được miễn thuế 5 năm, sau 5 năm thuế thu nhập 25% và không phải đóng thuế khi chuyển lợi nhuận về nước. Trong thời gian một năm sau khi quyết toán xong nhà đầu tư được quyền chuyển tiền từ Myanmar về nước.

Theo ông Đức, cải cách kinh tế sâu rộng và chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài thông thoáng sẽ giúp Myanmar trở thành điểm đến của các dòng vốn FDI khắp nơi trên thế giới đổ về. Nhu cầu văn phòng, thương mại, khách sạn, căn hộ dịch vụ tại các đô thị lớn của nước này theo đó cũng sẽ tăng đột biến.

VNPT và Viettel cùng nhảy vào thị trường tiềm năng

Hôm 23/9, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar) để làm “bước đệm” thâm nhập vào thị trường được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng này.

Myanmar được xem là một thị trường viễn thông sơ khai lớn và có sức hấp dẫn mạnh. Thống kê chính thức cho thấy, tính tới cuối năm 2012, mới chỉ có 5,4 triệu người trong tổng số 60 triệu dân của nước này sở hữu thuê bao di động, tương đương tỷ lệ xâm nhập 9% của viễn thông di động.

Myanmar được nhận định là thị trường viễn thông sơ khai và có tiềm năng lớn

VNPT cho biết tập đoàn này coi Myanmar là thị trường trọng điểm trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Vì thế, từ năm 2011, VNPT đã tham gia các cuộc xúc tiến thương mại mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng tại thị trường này và đã trở thành đối tác của một số doanh nghiệp viễn thông Myamar.

“Việc VNPT khai trương văn phòng đại diện của Công ty Viễn thông Quốc tế VNPT-I tại Yangon là một bước khởi động, tạo nền móng cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại thị trường này”, đại diện VNPT cho biết.

Tại các quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ này đều cao vượt trội, như 70% ở Campuchia, 87% ở Lào và hơn 100% ở Thái Lan. Chính phủ Myanmar muốn tăng tỷ lệ dân số dùng di động lên 75-80% trong thời gian từ nay đến năm 2015-2016.

Cùng nhận định được tiềm năng phát triển vượt trội tại thị trường Myanmar, Viettel đang có kế hoạch xâm nhập thị trường Myanmar với số tiền đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD. Nếu vào Myanmar, Viettel sẽ là nhà mạng thứ tư sau Ooredoo tới từ Qatar, Telenor và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Myanmar (MPT).

Viettel và Yatanarpon Teleport – một công ty viễn thông nội địa của Myanmar (trong đó MPT đang giữ 51% cổ phần ) sẽ hợp tác với nhau để cùng phát triển. Cụ thể, Viettel sẽ liên doanh với Yatanarpon Teleport bằng khoản đầu tư ban đầu là 800 triệu USD. Phần còn lại 1 tỷ USD sẽ đến từ đối tác nước ngoài chưa được tiết lộ.

BIDV đẩy mạnh đầu tư, tài trợ tín dụng

Tháng 07/2014, BIDV đã cử đoàn chuyên gia sang Myanmar để khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn về lĩnh vực Công nghệ thông tin cho SMIDB. Đồng thời, BIDV đã mời SMIDB cử đoàn công tác cấp cao sang Việt Nam từ 15-21/09/2014 để khảo sát thực tế và trao đổi chuyên sâu về Công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai core-banking cũng như các nghiệp vụ kinh doanh tài trợ thương mại (TF) và ngoại hối (FX). Ngoài ra, BIDV cũng đã trao đổi với SMIDB về việc BIDV sẵn sàng xem xét cấp khoản vay với lãi suất/phí ưu đãi để hỗ trợ cho SMIDB đầu tư hệ thống phần mềm ngân hàng cốt lõi (core-banking).

Ngày 19/11/2014, tại Thủ đô Naypyitaw, Myanmar, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký thỏa thuận nguyên tắc sơ bộ về khoản vay 30 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp nhỏ và vừa Myanmar (SMIDB). Cùng ngày, Bộ Phát triển Kinh tế và Kế hoạch quốc gia Myanmar đã cấp Giấy chứng nhận thành lập (tạm thời) cho Công ty TNHH Tài chính BIDV.

Công ty Tài chính BIDV tại Myanmar được thành lập dựa trên vốn góp của đại diện phía Việt nam(70%) và của Công ty Tài chính Tiêu dùng Vi mô Mahar Bawaga, Myanmar (30%). Phạm vi kinh doanh của Công ty tập trung ban đầu vào lĩnh vực: Tài chính vi mô; Nhận tiền gửi; Chuyển tiền và các hoạt động tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật Myanmar.

Lễ ký kết thỏa thuận khoản tín dụng 30 triệu USD giữa BIDV và SMIDB

Trước đó, ngày từ tháng 10/2014, hai bên đã trải qua nhiều lượt đàm phán nhằm đi đến thống nhất các nội dung để thành lập Công ty tài chính BIDV tại Myanmar.

Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt nam sang Myanmar (AVIM), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) cho biết:  Đối với việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Tài chính BIDV, một mặt là sự khẳng định hiện diện lâu dài tại Myanmar, một mặt khẳng định mục tiêu hoạt động không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn vì sự phát triển cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững cho khu vực người dân có mức thu nhập thấp, nhạy cảm với những biến động tài chính; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, cận thành thị; giúp đỡ nguồn vốn để những đối tượng này có cơ hội phát triển kinh doanh, nâng cao đời sống…

Hoa Liên

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến