Doanh nhân nữ - “dũng sĩ” thời bình
08/03/2017 07:56:18
Không chỉ đảm đương vai trò làm vợ, làm mẹ, ngày nay, không ít doanh nhân nữ đã khẳng định vị trí xuất sắc trên thương trường, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp vượt đấng mày râu, tạo dựng việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động. Trong đó không ít các doanh nhân nữ Việt Nam vươn lên từ người lao động làm việc trực tiếp, nhưng bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê công việc đã trưởng thành, chiếm lĩnh những đỉnh cao, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Tin liên quan

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty sữa Việt Nam Vinamilk. Ảnh:P.V

Vươn lên từ người thợ

Nói đến “nữ tướng” Mai Kiều Liên, kênh CNBC (Mỹ) từng gắn cho bà biệt danh “Người đàn bà thép - Margaret Thatcher của VN”. Được biết đến là người giỏi giang, quyết đoán và có tài thao lược, là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Cty sữa hàng đầu Việt Nam - Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp nhà nước trở thành Cty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, chiếm lĩnh trên 50% thị phần sữa Việt Nam và xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia, cạnh tranh được với 50 thương hiệu sữa lớn nhất trên thế giới. Bà đã hai lần được Tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn là nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong Top 50.

Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng Giám đốc Vinamilk, những gì bà Mai Kiều Liên làm được cho Vinamilk và ngành sữa Việt Nam hôm nay khiến nhiều người phải nể trọng. Vinamilk hiện là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất và cổ phiếu blue - chip tại Việt Nam, có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết năm 2006. Tổng doanh thu thực hiện cả năm 2016 của Vinamilk đạt 46.200 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ USD. Dù là doanh nhân nữ “tỉ đô”, nhưng ước mơ cháy bỏng của bà Mai Kiều Liên không chỉ là dinh dưỡng cho mọi người mà còn là đời sống cho hàng chục ngàn lao động ở nông thôn.

Tương tự, doanh nhân nữ Thái Hương cũng được xem là một “hiện tượng” của Việt Nam. Đang kinh doanh phát đạt trong lĩnh vực ngân hàng, bà Thái Hương bất ngờ chuyển qua kinh doanh và gây dựng thương hiệu sữa TH từ đồng đất Nghệ An. Từng lọt vào danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn, song bà Thái Hương vẫn khiêm tốn chia sẻ: “Từ thuở nhỏ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải làm thế nào để kiếm được nhiều tiền giúp đỡ cha mẹ và mọi người xung quanh. Đến nay tôi đã làm được điều nhỏ nhoi trong cuộc đời là mang lại những sản phẩm tốt nhất cho quê hương mình, giảm thiểu sự vất vả, “một nắng hai sương” cho bà con nông dân”.

Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH.  Ảnh:P.V

Ngay từ khi triển khai dự án sữa tươi sạch TH true MILK, Tập đoàn TH đã xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ tâm - trí - lực vào lĩnh vực này. Chính DN mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”.

Bản lĩnh Việt trên thị trường thế giới

Đó là doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, người phụ nữ sinh năm 1970 là đồng sáng lập và hiện nắm đa số cổ phần của Cty Sovico, tập đoàn sở hữu Ngân hàng HD Bank và Hãng hàng không giá rẻ quốc tế Vietjet Air. Quá trình phát triển của Vietjet gắn chặt với tên tuổi của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet Air.  Ảnh:P.V

Thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, dưới sự chèo lái của vị nữ “thuyền trưởng” này, chỉ sau 5 năm, thị phần Vietjet Air đã vươn lên 41%, ngang ngửa thị phần 42% của Vietnam Airlines. Theo bản cáo bạch của Vietjet Air gửi đến Sở GDCK TPHCM, kể từ khi thành lập vào năm 2007, đến nay vốn điều lệ của Vietjet đã lên đến 3.000 tỉ đồng. Hiện Vietjet khai thác 37 đường bay nội địa, 23 đường bay quốc tế và nhiều chuyến bay thuê chuyến. Năm 2016, nhờ sự dẫn dắt của bà Thảo, tổng doanh thu của Vietjet đạt 27.532 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách đạt 12.008 tỉ đồng, tăng 40,6% so với năm 2015. Với kết quả ấn tượng này, giấc mơ bay đã đưa nữ doanh nhân thành đạt Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định được bản lĩnh Việt trên thị trường thế giới, nhờ những nỗ lực phi thường chiếm lĩnh thị trường hàng không giá rẻ.

Trong lĩnh vực dệt may, doanh nhân nữ Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Giám đốc TCty May 10 - CTCP được mệnh danh là “tư lệnh” của May 10. Hơn 10 năm với cương vị Tổng Giám đốc, bà Huyền từng bước đưa May 10 phát triển, trở thành DN lớn của ngành dệt may và hiện sản phẩm của May 10 đã đến với thị trường hàng chục nước Châu Âu, Mỹ Latin, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Nữ tổng tư lệnh” Nguyễn Thị Thanh Huyền tâm sự: “Nếu tính từ thời điểm mở Xí nghiệp sản xuất veston cao cấp xuất khẩu đầu tiên (năm 2004), thì đến cuối 2015, chúng tôi đã sở hữu 3 xí nghiệp sản xuất veston, công suất 1 triệu bộ/năm. Không lâu sau ngày lập xưởng may đầu tiên, Veston May 10 đã chinh phục được khách hàng khó tính nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Mỹ, EU”. Năm 2015, đánh dấu kết quả kinh doanh đạt cao nhất từ trước đến nay của May 10 với tổng doanh thu 2.700 tỉ đồng. Hiện May 10 đang quản lý hơn 11.000 lao động với thu nhập hơn 6,6 triệu đồng/người/tháng đi kèm theo đó là những chính sách an sinh dài hạn, để người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình với Cty. May 10 là một trong những DN đầu tiên trong ngành dệt may có mô mình sản xuất gắn với trách nhiệm xã hội, khi sớm đầu tư xây dựng khu tập thể, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, trường cao đẳng nghề, trường tiểu học cho con em cán bộ, công nhân viên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Giám đốc TCty May 10-CTCP.  Ảnh:P.V

Một gương mặt nữa không thể không nói đến là bà Cao Thị Ngọc Dung - “nữ hoàng” ngành trang sức. Trong danh sách 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 trong lĩnh vực kinh doanh do Forbes Việt Nam bình chọn, bà chủ “đế chế vàng bạc Phú Nhuận” Cao Thị Ngọc Dung là một trong những gương mặt được vinh danh. Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 (Đinh Dậu) tại Quảng Ngãi, là cử nhân kinh tế thương nghiệp (Đại học Kinh tế TPHCM). Năm 1988, khi đang là Trưởng phòng Kế hoạch Cty Nông sản - Thực phẩm quận Phú Nhuận, bà Dung được bổ nhiệm làm Giám đốc Cty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, với vỏn vẹn 20 nhân sự và tài sản chỉ đúng bằng 7,4 lượng vàng.

Suốt 26 năm qua, bà đóng vai trò quyết định cho sự thành công của PNJ. Theo báo cáo của một số Cty chứng khoán, thị phần bán lẻ của PNJ đang liên tục tăng cao và vọt lên 25% trong năm 2015, bỏ xa 2 đối thủ Doji, SJC với con số dưới 10%. Còn theo Tạp chí Forbes, vị thế quy mô sản xuất của PNJ gấp 4 lần các đối thủ cạnh tranh kế tiếp, trên thị trường cứ bốn cửa hàng bán đồ trang sức thì có một cửa hàng có sản phẩm của PNJ. Bà Dung cũng từng được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á vào năm 2016. Top 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 trong lĩnh vực kinh doanh do Forbes Việt Nam bình chọn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam - VWEC (VCCI): Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu tỉ lệ nữ làm chủ DN đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ có 350.000 DN do nữ làm chủ. Ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ là chủ hoặc điều hành trên 100.000 DN trên tổng số gần 500.000 DN đang hoạt động. Ở góc nhìn tích cực và trên những kết quả đánh giá đã được ghi nhận, doanh nhân nữ rất có ưu thế về khả năng dung hòa các mối quan hệ và áp lực công việc, khéo léo và mềm mỏng hơn trong phong cách lãnh đạo, quan hệ đối tác và khách hàng. Khoa học và thực tế cũng đã chứng minh một khả năng của phụ nữ đó là nhờ sự khác biệt về bộ não, nữ giới có khả năng làm tốt hơn nhiều việc chồng chéo, trong khi nam giới làm tốt khi tập trung vào một việc nhất định.         

Theo Lao động

                                                                                                                            

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến