Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với nhiều chỉ tiêu tích cực giữa bối cảnh toàn thị trường bất động sản gần như “đóng băng” kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, Nam Long công bố doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 953 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đi lùi kéo theo giá vốn cũng giảm xuống chỉ còn 392 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp đem về 560 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đi ngang với cùng kỳ.
Trong kỳ, Nam Long còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên 40,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một điểm sáng nữa của doanh nghiệp địa ốc này là lãi trong công ty liên doanh và liên kết cũng tăng trưởng tích cực, chạm mốc 37 tỷ đồng, cao gấp 15 lần cùng kỳ năm trước.
Theo đó sau khi khấu trừ đi các chi phí và thuế, Nam Long thu lời được 231 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Công ty lý giải sở dĩ có sự chênh lệch trên bởi doanh thu chủ yếu trong quý được đóng góp từ doanh thu bán nhà ở và căn hộ (chiếm 91% tổng doanh thu quý). Cùng với đó, lợi nhuận thuần quý II/2023 tăng 39 tỷ đồng (tương ứng 20%) so với cùng kỳ chủ yếu do tăng phần lãi nhận từ công ty liên doanh Mizuki.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 1.188 tỷ đồng doanh thu thuần và 224 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 35% và tăng 10% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản tại cuối quý II/2023 ghi nhận giảm nhẹ về 26.982 tỷ đồng, chiếm chủ yếu vẫn là tài sản ngắn hạn với 23.840 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận khoản tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh tới 1.453 tỷ đồng so với đầu năm, xuống chỉ còn 2.320 tỷ đồng do sụt giảm các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng với lãi suất dao động từ 4,1%/năm đến 6%/năm.
Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho của doanh nghiệp lại ghi nhận xu hướng tăng lên gần 10%, đạt 16.337 tỷ đồng. Có tỉ trọng lớn nhất tới 99,8% trong danh mục hàng tồn kho là một loạt bất động sản dở dang của công ty như Dự án Izumi (9.012 tỷ đồng), Waterpoint Giai đoạn 1,2 (5.081 tỷ đồng), Dự án Hoàng Nam Akari (818 tỷ đồng),…
Trong đó, dự án Izumi ghi nhận giá trị tồn kho tăng mạnh nhất, tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm.
Nợ phải trả tính đến ngày 30/6 của Nam Long ghi nhận 13.831 tỷ đồng, gần như giữ nguyên so với đầu năm. Tuy nhiên cơ cấu nợ lại xuất hiện điểm tích cực hiếm hoi là nợ vay tài chính giảm xuống mức 5.045 tỷ đồng (đầu năm ghi nhận 5.179 tỷ đồng) và lượng người mua trả tiền trước cho doanh nghiệp tăng lên 3.351 tỷ đồng (đầu năm chỉ có 3.271 tỷ đồng).
Chiếm phân nửa cơ cấu nợ vay của Nam Long là 2.585 tỷ đồng trái phiếu, các trái chủ đa phần là các tập đoàn tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm lớn trên thị trường.
Vốn chủ sở hữu của Nam Long tại cuối tháng 6/2023 giảm nhẹ xuống mức 13.151 tỷ đồng, tương ứng nợ phải trả chỉ cao hơn vốn chủ sở hữu chưa đến 5% - đây là một tỉ lệ đòn bẩy tương đối thấp so với một doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn như Nam Long. Tại cuối quý II/2023, Nam Long đang có 2.523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cho cổ đông.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy