Dốc hết “hầu bao” cho những cú điện thoại nợ 8.930.000 đồng
12/12/2014 15:57:36
ANTT.VN – Các đối tượng đều dùng thủ đoạn giả danh là nhân viên tổng đài VNPT thông báo cho bị hại đang nợ cước tiền điện thoại với số tiền 8.930.000 đồng. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh là cán bộ công an đang điều tra các đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực mà bị hại có “dính” tới.

Tin liên quan

Chiêu bài rất cũ

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phản ánh việc một số đối tượng sử dụng công nghệ cao gọi điện thoại vào các số điện thoại cá nhân, điện thoại bàn và giả danh lực lượng công an hoặc các lực lượng thực thi pháp luật khác để đe dọa nạn nhân có liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy xuyên quốc gia...

Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng không mới. Các đối tượng gọi điện qua Internet đến số điện thoại cố định của bị hại xưng là nhân viên của tổng đài VNPT thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước tiền điện thoại với số tiền 8.930.000 đồng. Sau đó để khẳng định, đối tượng chuyển máy cho bị hại nói chuyện với người xưng là cán bộ công an, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền rất lớn.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên VNPT thông báo nợ cước viễn thông

Đối tượng còn nói rõ bị hại đã mở tài khoản ở những ngân hàng nào phải rút toàn bộ số tiền gửi vào tài khoản mà đối tượng cho sẵn với lý do chuyển cho cơ quan. Thêm vào đó, các đối tượng yêu cầu bị hại không được thông báo cho ai thông tin này, kể cả gia đình, con cái. Nhiều bị hại là người cao tuổi, nhận thức hạn chế nên rất lo sợ và răm rắp làm theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Với thủ đoạn trên, tính đến nay, công an thành phố  Hà Nội đã nhận được 15 đơn trình báo của các bị hại về việc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 30/11, bà L.T.P (Tây Hồ, Hà Nội) nhận được một cuộc điên thoại gọi vào điện thoại cố định thông báo bà P nợ cước viễn thông là 8.930.000 đồng. Thấy bà P thắc mắc người phụ nữ đưa máy cho người khác tự xưng là cán bộ công an TP.Hồ Chí Minh liên quan đến vụ tiêu cực với số tiền rất lớn liên quan đến công an và cán bộ ngân hàng. Đối tượng yêu cầu bà P cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân tài khoản tiết kiệm. Bà P đã chuyển tất cả 2 tỷ 350 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng để “cung cấp để phục vụ điều tra”.

Không chỉ bà P bị sập bẫy, trước đó, ngày 7/11 bà T.T.T.A (Đống Đa, Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại cũng với nội dung thông báo bà A nợ cước viễn thông và sở hữu một tài khoản có giao dịch bất thường rồi yêu cầu bà A cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân các tài khoản tiết kiệm. Các đối tượng đã yêu cầu bà A chuyển 1 tỷ 2 vào tài khoản cho chúng cung cấp. Sau khi chuyển xong, bà A biết mình bị lừa đã đến cơ quan công an để trình báo.

Tăng cường cảnh giác

Theo ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm thông tin tập đoànVNPT: “VNPT đã có rất nhiều thông báo để cảnh báo cho khách hàng cảnh giác để không bị lừa gạt. VNPT khẳng định không thực hiện việc nhắc nợ cước qua bất kỳ hình thức hộp thư ghi âm tự động nào. Trường hợp nghi vấn, khách hàng hãy điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng 800126”.

Trên thực tế, hình thức lừa đảo bằng thông báo nợ cước điện thoại như trên đã xuất hiện từ năm 2013 tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế. Hải Phòng… Ngoài “bài” giả mạo VNPT nhắc nợ cước, dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0, 9, 113... và đe dọa nếu không nộp ngay (trong vòng 2 giờ) sẽ chuyển sang bên an ninh để điều tra, xử lý, các đối tượng này cũng giả mạo ngân hàng nhắc nợ vay lên tới hàng chục triệu đồng, giả mạo công an khuyến cáo người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của chúng để được bảo vệ.

Tang vật mà cơ quan công an thu giữ được

Kẻ xấu đã không chỉ mạo danh VNPT để lừa đảo, mà còn mạo danh nhiều cơ quan và tổ chức khác. Mục tiêu của chúng cũng không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ người nghe bấm số chọn đến, mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền người dân.

Trong thời gian qua, phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) đã tạm giữ 5 thanh niên để điều tra, làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức chiếm đoạt số tiền khoảng 6,6 tỷ đồng.

Các đối tượng tại cơ quan điều tra

Thủ đoạn của các đối tượng vẫn là gọi điện thoại qua internet đến số điện thoại máy cố định của người bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước với số tiền 8.930.000 đồng.

Cơ quan điều tra khuyến cáo: Để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại thì người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng….

Trường hợp có người xưng là Công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân, chuyển giao tài khoản cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì, cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng internet, nhất là các trang mạng xã hội, để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo.

Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan Công an

 

Thu Thủy

.

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến