Đòi giá điện “gánh lỗ”: Thật không công bằng!
13/09/2015 11:08:15
ANTT.VN – Đó là quan điểm được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ với phóng viên ANTT.VN về đòi hỏi phải phân bổ khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá vào giá thành sản xuất điện mà ba “ông lớn” TKV (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam), PVN (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã đưa ra.

Tin liên quan

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Lý giải về điều này, vị chuyên gia kỳ cựu đã dẫn giải hai lý do:

Thứ nhất, việc ba Tập đoàn TKV, PVN, EVN kêu lỗ và bị lỗ do chênh lệch tỷ giá là bởi họ đã thực hiện vay ngoại tệ. Nhưng đã là vay ngoại tệ thì không được bỏ qua yếu tố lãi suất. Lãi suất vay ngoại tệ bao giờ cũng thấp hơn lãi suất vay tiền đồng và từ nhiều năm nay, lãi suất vay USD thông thường cũng chỉ bằng một nửa lãi suất vay VND.

“Các “ông” đã được vay ngoại tệ, đã được tính lãi suất thấp. Hưởng lợi bao năm như vậy, cớ sao bây giờ lỗ lại đi bắt dân chịu?”, TS. Hiếu đặt câu hỏi.

Thứ hai, là các tập đoàn kinh tế hàng đầu, nhẽ ra TKV, PVN, EVN phải luôn chủ động trong công tác quản trị rủi ro, lường đoán các kịch bản biến động và đề ra biện pháp ứng phó, chứ không cứ phải cứ để thiệt hại rồi lại đổ cho người tiêu dùng. Ví dụ như trước thời điểm điều chỉnh tỷ giá vừa rồi, doanh nghiệp chủ động thực hiện ký hợp đồng mua ngoại tệ tương lai (futures contract) với ngân hàng thì rõ ràng rủi ro đã được phòng vệ.

“Do đó, thật không công bằng nếu bắt giá điện phải “gánh lỗ” cho các Tập đoàn”, ông nhấn mạnh.

VND sẽ mất giá 10% trong 3 năm tới

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong thời gian tới, VND sẽ vẫn tiếp tục mất giá. Tuy nhiên, mức điều chỉnh trong năm 2015 nhiều khả năng sẽ dừng lại ở 5% như khẳng định của NHNN.

“Còn trong vòng 3 năm tới, tôi tin VND sẽ mất giá khoảng 10%”, ông dự đoán.

Cụ thể, theo vị chuyên gia có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Hoa Kỳ này, hiện tại, nếu tính theo phương pháp PPP (Power Purchasing Parity – Sức mua tương đương) thì tỷ giá quy đổi USD/VND phải lên đến 40.000 VND đổi một USD. Song cũng chưa thể ngay lập tức áp dụng mức tỷ giá này bởi nó sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn về kinh tế xã hội cũng như mất an ninh tiền tệ.

Do đó, “việc phá giá tiền đồng phải được thực hiện có lộ trình và tôi dự báo trong 3 năm tới, mỗi năm VND sẽ được phá giá từ 3 đến 4% (mức này không phải là quá lớn) và gộp lại là khoảng 10%” – ông Hiếu nói.

Liên quan đến khuyến nghị có nên thả nổi VND hay không, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định là “nên” nên nhưng thời điểm phải là “10 năm nữa” bởi tỷ giá là một biến số kinh tế đặc biệt nhạy cảm.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến