Đòi tiền bồi thường từ nhà sản xuất, được không?
03/04/2015 10:51:03
ANTT.VN - Phát hiện "dị vật" trong những sản phẩm, khách hàng không chỉ phản ánh thông tin đến nhà sản xuất mà kèm theo đó là yêu cầu đòi tiền bồi thường. Vậy việc đòi tiền bồi thường này là đúng hay sai?

Tin liên quan

Nhiều tình tiết pháp lý được mổ xẻ dưới con mắt của nhà làm luật đối với vụ khách hàng tại Hà Tĩnh bị tố “đòi” 40 triệu đồng để trả lại chai nước C2 bị lỗi và vụ khách hàng ở Tiền Giang dính vào lao lý cũng liên quan đến việc đòi tiền từ chủ nhãn hàng đồ uống…

Theo đó, tháng 5/2014, một khách hàng tại tại Hà Tĩnh có mua một lốc (loại 6 chai) nước giải khát C2 hương chanh 360ml, hạn sử dụng từ 12/4/2014 đến 12/4/2015 – sản phẩm do Cty TNHH URC Việt Nam sản xuất và phát hiện chai nước này bị lỗi. Ông Nguyễn Phước Quý Trường, Giám đốc Marketing Công ty URC cho biết, khi nhận được phản ánh thì Công ty URC cũng đã làm việc với khách hàng vài lần. "Lần đầu tiên khách hàng không đưa mẫu ra. Lần thứ 2 khách hàng có đưa mẫu và yêu cầu công ty trả 40 triệu đồng, nhưng công ty URC chỉ ghi nhận lại thông tin. Lần tiếp theo URC khách hàng vẫn đòi 40 triệu đồng, nhưng công ty đã giải thích nguyên tắc làm việc của công ty chỉ là gặp khách hàng xin mẫu để phân tích và sẽ hỗ trợ bằng những sản phẩm khác thay thế. Và ngày 31/3/2015 vừa qua, đại diện URC tiếp tục liên lạc với ông Phong lần nữa thì lần này ông Phong đã đồng ý”, ông Trường nói.

Tuy nhiên, trả lời ANTT.VN, khách hàng này cho hay ông mới chỉ gặp đại diện của URC 3 lần. “Lần 1, tôi chỉ gặp họ có 3 phút, lần 2 có đưa sản phẩm và công ty URC có xác nhận là sản phẩm là của công ty và chưa bị mở nắp. Lần thứ 3 là ngày 31/3/2015 vừa qua. Quyền lợi của khách hàng được đặt lên hàng đầu. Nếu tôi gây nguy hại đến công ty URC thì URC sẽ kiện tôi và bắt tôi bồi thường. Vậy URC làm nguy hại đến người tiêu dùng thì ai sẽ là người đứng ra bồi thường cho khách hàng, hay khách hàng luôn luôn là người có lỗi”, ông Phong đặt câu hỏi.

Biên bản làm việc giữa khách hàng với đại diện URC ghi nhận “khách hàng yêu cầu công ty mua lại sản phẩm bị lỗi với giá 40 triệu đồng”, tuy nhiên, đại diện nhà sản xuất cho biết không đáp ứng điều này và giải thích nguyên tắc làm việc của công ty chỉ là gặp khách hàng xin mẫu để phân tích và sẽ hỗ trợ bằng những sản phẩm khác thay thế.

Theo luật sư Đặng Lam Giang - Phó giám đốc công ty Luật TNHH Inteco, các biên bản làm việc này được lập giữa đại diện nhà sản xuất và người tiêu dùng sau khi người tiêu dùng có khiếu nại về chất lượng sản phẩm. Theo nội dung thể hiện thì buổi làm việc được thực hiện theo quy trình giải quyết khiếu nại của các nhà sản xuất và các bên đang tiến hành thương lượng để giải quyết các vấn đề liên quan tới nội dung khiếu nại. Tài liệu này là bằng chứng thể hiện các bên đã có những trao đổi, thỏa thuận liên quan tới vụ việc và các bên đang thực hiện các quyền, nghĩa vụ được Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định.

Đối với trường hợp tại Hà Tĩnh, theo luật sư Giang, thông tin cho thấy khách hàng đã mua phải chai nước có đóng cặn và có nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe nếu sử dụng sản phẩm nên khách hàng có quyền khiếu nại tới nhà sản xuất để nhà sản xuất bồi thường cho mình. “Ở đây chúng ta có thể hiểu là khách hàng yêu cầu công ty phải bồi thường cho thiệt hại của bản thân vì mua phải sản phẩm bị lỗi với giá là 40 triệu đồng.Có thể nhà sản xuất cho rằng mức giá này là cao nhưng đây là yêu cầu hợp pháp của khách hàng. Các bên có quyền thương lượng về mức bồi thường thiệt hại. Nếu công ty không đồng ý  thì khách hàng có quyền khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình”, luật sự Giang phân tích.

Còn đối với trường hợp khách hàng tại Tiền Giang sau nhiều lần làm việc với Tân Hiệp Phát đã yêu cầu nhà sản xuất phải chi số tiền từ 1 tỷ đồng, sau đó xuống 500 triệu và nếu không đáp ứng thì sẽ "in ra 5000 bản có hình ảnh và nội dung con ruồi trong chai nước để người tiêu dùng biết” lại được giới làm luật nhìn nhận bằng các khía cạnh pháp lý khác nhau.

Trả lời báo chí, Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho hay, về góc độ pháp lý thì có thể thấy hành vi của anh Minh là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Điều 135 BLHS (tội cưỡng đoạt tài sản) quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù… Ở đây anh Minh có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với phía công ty là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh ta sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết…

Cùng quan điểm trên, luật sư Giang cho hay, theo nội dung phản ánh trong biên bản làm việc thì dường như khách hàng Minh đang có hành động đe dọa sẽ làm mất uy tín công ty nếu công ty không đồng ý về mức bồi thường thiệt hại. Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì khách hàng được yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại. “Nhưng mức độ thiệt hại như thế nào cũng cần phải có cơ sở để chứng minh. Khó có thể nói trong trường hợp này người tiêu dùng bị thiệt hại lên đến số tiền lớn như vậy mà ở đây khách hàng đang lợi dụng hoàn cảnh của công ty để bắt chẹt. Và do đó, có dấu hiệu vi phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” theo điều 135 bộ luật hình sự”, luật sư Giang cho biết thêm.

Cũng theo luật sư Giang, pháp luật có quy định cấm lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Tại điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có một quy định khá lý thú trong tình huống này. Đó là luật quy định người tiêu dùng phải có nghĩa vụ “Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng”. Chúng ta thấy rằng, khách hàng đang đưa ra yêu cầu nếu không nhận được số tiền bồi thường thì sẽ có hành động thông tin ra bên ngoài. Còn nếu nhận được tiền thì sẽ dấu thông tin vụ việc này đi. Như vậy, trong trường hợp nếu khách hàng dấu thông tin thì chính khách hàng lại rơi vào tình thếvi phạm pháp luật. Do đó, người tiêu dùng cần phải nghiên cứu kỹ pháp luật để có hành động hợp pháp khi yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình.

Thủy Tiên
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến