Dòng sự kiện:
Dòng bank nhập cuộc, VN-Index vượt ngưỡng 1.280 điểm
27/05/2022 17:53:30
Bên cạnh sự nhập cuộc của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tiếp sức giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.280 điểm, nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng là điểm sáng thị trường với sự dẫn đầu là PNJ giao dịch bùng nổ.

Sau phiên giao dịch đi ngang ngày hôm qua, thị trường đã nhanh chóng hồi phục tích cực trong phiên sáng cuối tuần ngày 27/5 nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip. Dù dòng tiền mạnh vẫn chưa nhập cuộc, nhưng sự tham gia tích cực của nhóm cổ phiếu lớn đã tiếp sức giúp VN-Index tiến gần ngưỡng 1.280 điểm và tạm dừng phiên sáng tại vùng giá cao nhất.

Bước vào phiên giao dịch chiều, tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn giúp thị trường nhanh chóng chinh phục thành công mốc 1.280 điểm chỉ sau khoảng 10 phút mở cửa. Tuy nhiên, việc giữ vững vùng giá này không dễ dàng, chỉ số VN-Index đã có những pha quay đầu trước khi test thành công trong đợt khớp lệnh ATC.

Cụ thể, trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC, một số mã bluechip tỏ ra đuối sức khiến VN-Index hạ độ cao và lùi về dưới ngưỡng 1.280 điểm. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng hơn trong thị trường, kéo VN-Index tăng vọt lên ngưỡng cao nhất trong ngày.

Thị trường đã có một tuần giao dịch khá tích cực khi chỉ số VN-Index vượt thành công ngưỡng cản mạnh 1.280 điểm và sự nhập cuộc của nhóm cổ phiếu bluechip phần nào giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào thị trường sẽ bước vào xu hướng tăng. Tuy nhiên, sự thành công sẽ đến chắc chắn hơn nếu có sự tham gia tích cực của dòng tiền sôi động.

Chốt phiên, sàn HOSE có 308 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index tăng 16,88 điểm (+1,33%), lên 1.285,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 607,22 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.091 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 986 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn là điểm tựa chính của thị trường khi tăng tới hơn 26 điểm lên mốc 1.335 điểm. Trong nhóm chỉ có duy nhất STB giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm nhẹ 0,7%, còn lại đều khởi sắc.

Trong đó, sau phiên chững lại hôm qua, cổ phiếu PNJ đã có phiên giao dịch bùng nổ ngày cuối tuần và tiến sát về vùng đỉnh cũ được thiết lập vào ngày 18/4 vừa qua (123.500 đồng/CP).

Kết phiên, PNJ tăng 7% lên mức giá trần 122.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 2,56 triệu đơn vị, tăng mạnh so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây của cổ phiếu này chỉ đạt hơn nửa triệu đơn vị.

Một số mã khác cũng tăng tốc và kết phiên ở vùng giá cao như FPT tăng 5,9% lên 111.800 đồng/CP, MWG tăng 5,5% lên 146.700 đồng/CP, ACB tăng 4,8% lên 31.800 đồng/CP. Các mã lớn như VNM, GAS, TCB tăng hơn 2%, hay SSI và VHM tăng 1,5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp FLC và ROS vẫn sôi động nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 26 triệu đơn vị. Mặc dù đã không còn bị bán tháo và nằm sàn nhưng FLC và ROS chưa thể thoát khỏi trạng thái giảm mạnh, tương ứng mất 3,7% xuống 5.970 đồng/CP và giảm 4,9% xuống 3.900 đồng/CP.

Trong khi đó, HAG tăng 3,6% lên 9.410 đồng/CP và khớp 13,7 triệu đơn vị, HQC tăng 1,8% lên 5.680 đồng/CP và khớp 10,8 triệu đơn vị, HNG tăng 4,4%, ITA tăng 1,3%, TSC tăng 4,4%... Đáng chú ý là OGC bất ngờ tăng vọt 5,4% lên mức giá cao nhất ngày 12.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh cũng sôi động hơn với hơn 1,26 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng bank tiếp tục là động lực chính của thị trường. Ngoại trừ duy nhất STB điều chỉnh nhẹ, còn lại đều nới rộng đà tăng, như EIB tăng 4,92%, ACB tăng 4,78%, MSB tăng 4,3%, các mã TCB, VIB, TPB cùng tăng hơn 2%, CTG, MBB, VCB, SSB xoay quanh 1%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng tăng tốc hơn trong phiên chiều với điểm sáng ngành là HSG kết phiên tăng 6,9% lên mức giá trần 23.200 đồng/CP và khớp tới 16,15 triệu đơn vị. Ngoài ra, HPG tăng 1,3% và khớp 17,58 triệu đơn vị, NKG tăng 3,2% và khớp hơn 12 triệu đơn vị, TLH tăng 4,9%, POM tăng 4,3%, SMC tăng 1,3%.

Nhóm chứng khoán tích cực hơn với sắc xanh có phần chiếm chủ đạo. Đồng loạt các mã VND, VCI, SSI, VIX, VDS, TVS, FTS… đều khởi sắc, ngoại trừ AGR, BSI, CTS, HCM còn điều chỉnh nhẹ. Trong đó, SSI kết phiên tăng 1,5% lên mức 29.900 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3, đạt hơn 21 triệu đơn vị khớp lệnh.

Điểm sáng trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu bán lẻ. Ngoài mã PNJ tăng trần, một số mã tăng mạnh mẽ khác như FRT tăng 6,7% lên sát mức giá trần 132.800 đồng/CP, MWG tăng 5,5%, PET và DGW cùng tăng 4,2%...

Trên HNX, thị trường giao dịch kém tích cực khi lực bán tăng mạnh về cuối phiên khiến HNX-Index dừng chân ở vùng giá thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 123 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index giảm 2,12 điểm (-0,68%), xuống 311,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70 triệu đơn vị, giá trị gần 1.600 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,32 triệu đơn vị, giá trị 65,25 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là gánh nặng chính của thị trường, đáng kể là THD giảm 7,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 53.000 đồng/CP. Ngoài ra NVB giảm 2,3%, TNG giảm 1,9%, các mã lớn khác như IDC, PVS, SHS điều chỉnh nhẹ hơn 0,5%.

Trái lại, cổ phiếu bất ngờ tăng mạnh cả về giá và thanh khoản trong phiên hôm nay là TAR, thậm chí có thời điểm được kéo tăng sát trần. Kết phiên, TAR tăng 7% lên mức 27.500 đồng/CP và khớp hơn 1,7 triệu đơn vị, tăng mạnh so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây là hơn 0,8 triệu cổ phiếu và cũng là mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Trong khi đó, các mã lớn như CEO, HUT, LHC, VCS chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%.

Về thanh khoản, cặp PVS và SHS dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt gần 10 triệu đơn vị và hơn 9 triệu đơn vị. Tuy nhiên, kết phiên, cả PVS và SHS đều mất điểm, tương ứng giảm 0,7% xuống 28.200 đồng/CP và giảm 0,6% xuống 17.900 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF thu hẹp biên độ tăng khi kết phiên tăng 2,6% và đứng tại mức 4.000 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 với khối lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, ACM khớp hơn 2,91 triệu đơn vị nhưng kết phiên giảm 5,3% xuống mức giá sàn 1.800 đồng/CP.

Trên UPCoM, mặc dù có chút rung lắc giữa phiên nhưng thị trường nhanh chóng bật ngược đi lên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,1836 lên 95,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,42 triệu đơn vị, giá trị 734,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5,18 triệu đơn vị, giá trị 104,77 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR kết phiên giảm 0,8% xuống mức 23.900 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản với 7,95 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã có thanh khoản tốt sau đó giao dịch có phần tích cực hơn như PVX tăng 2% và khớp gần 3,7 triệu đơn vị, PAS tăng 6,2%, HVG tăng 11,4%, LMH tăng 7%, KHB tăng trần, DCS tăng 5% với khối lượng giao dịch trong khoảng 1,5-2 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, trong khi dòng bank ở thị trường niêm yết giao dịch khởi sắc thì các cổ phiếu nhóm này trên UPCoM lại có diễn biến lình xình với ABB và VAB đứng giá tham chiếu, BVB giảm 0,7%, PGB giảm 1,7%

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2206 đáo hạn gần nhất tăng 21,6 điểm (+1,7%) lên 1.322,5 điểm, khớp lệnh hơn 255.620 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.550 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh có phần chiếm áp đảo, trong đó CFPT2203 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp hơn 1,53 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 29,6% lên 5.300 đồng/CQ. Tiếp theo là CFPT2202 khớp 1,46 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 30,2% lên 2.200 đồng/CQ.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến