Tin liên quan
Lính cứu hỏa tại Sumatra, Indonesia (20/10/2015).
Indonesia đang chịu sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế khi không thể kiểm soát được cháy rừng liên tục lan rộng tại phía nam nước này, chủ yếu gây ra bởi tập quán phá rừng làm đất trồng trọt của người dân trên hai đảo lớn Sumatra và Kalimantan.
“Cháy rừng có thể sẽ kéo dài tới tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau”, Herry Purnomo, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Rừng Quốc tế (CIFR) cho biết.
Trong khi đó, các nước trong khu đang chịu những hậu quả nặng nề, gây xáo trộn về đời sống và ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Malaysia ông Wan Junaidi Tuanku Jaafa đầu tuần cảnh báo rằng những nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn cháy rừng tại Indonesia có thể thất bại và khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với thảm họa khói bụi trong nhiều tuần nữa, trước khi mùa mưa tại nước này bắt đầu.
Khói bụi đã giảm tại Malaysia tuần trước tuy nhiên lại tăng lên từ hôm thứ hai khiến chính phủ nước này tiếp tục yêu cầu đóng cửa trường học tại các khu vực bị ảnh hưởng, chủ yếu tại thủ đô Kuala Lumpur và một số bang lân cận khác khi mà mức ô nhiễm không khí được cho là “gây hại nghiêm trọng sức khỏe người dân”.
“Trừ khi có mưa, còn nếu không sẽ chẳng có cách nào con người có thể ngăn chặn cháy rừng cả. Chúng tôi hi vọng những cơn mưa sẽ tới vào giữa tháng 11 và dập tắt hoàn toàn cháy rừng”, ông Wan cho biết.
Khói bụi tại Singapore (18/10/2015).
Nỗ Lực
Trước những sức ép ngày càng tăng lên, Indonesia đầu tháng này đã đồng ý nhận sự giúp đỡ từ quốc tế sau nhiều tuần cố gắng ngăn chặn cháy rừng lây lan không thành công.
Thứ 6 tuần trước, nước này bắt đầu chiến dịch chữa cháy lớn nhất từ trước tới nay, với hàng chục máy bay cùng nhiều nghìn binh lính tham gia tại hai đảo Sumatra và Borneo, những khu vực cháy rừng đang hoành hành.
“32 máy bay bao gồm 6 chiếc từ Singapore, Malaysia và Australia cùng 22 nghìn binh sĩ đã được triển khai”, giới chức nước này cho biết.
Cháy rừng và khói bụi là những vấn đề mang tính thời vụ của Indonesia, khi mà người dân những khu vực hẻo lánh vẫn giữ tập tục phá rừng lấy đất trồng trọt. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình trong năm nay có thể phức tạp hơn nhiều bởi ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino.
Trong phạm vi Đông Nam Á, không khí ô nhiễm nặng nề đã khiến hàng chục nghìn người tại Malaysia, Singapore và Thái Lan phải nhập viện vì những bệnh liên quan tới đường hô hấp. Hàng trăm chuyến bay cùng nhiều sự kiện quốc tế cũng đã bị hủy trên khắp khu vực.
Khói bụi tại tỉnh Yala, miền Nam Thái Lan (22/10/2015).
Thái Lan
Thái Lan cho biết các tỉnh phía Nam nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói bụi. Theo Bộ Tài nguyên Môi trường Thái Lan cho biết chỉ số PM10, đo độ ô nhiễm không khí đã tăng lên mức 172 tại tỉnh Yala, 273 tại Satun, 216 ở Pattani và 199 ở Surat Thani.
Tầm nhìn hạn chế cũng đã khiến ít nhất ba chuyến bay bị hoãn tại Bangkok ngày hôm qua. Một chuyến bay khác từ Bangkok tới Hat Yai phải đổi hướng bởi khói bụi ở thành phố này.
Thành phố du lịch Hat Yai đã chịu tổn thất nặng nề trong nhiều tuần qua khi mà lượng du khách, nhất là từ Malaysia giảm rõ rệt. Tại lễ hội Ăn chay vừa qua, hệ thống khách sạn tại Hat Yai ghi nhận tỉ lệ trống phòng lên tới 40%, cao gấp đôi những năm trước, theo Hiệp hội Khách sạn Thái Lan.
“Các sự kiện du lịch sẽ phải hủy nếu khói bụi tiếp tục tiếp diễn”, tổ chức này cho biết.
Du lịch là một ngành dịch vụ quan trọng đối với Thái Lan, chiếm 8,6% tổng GDP năm 2014, theo Hiệp hội Du lịch thế giới (WTTC).
“Mù khô” bao phủ TPHCM vào sáng 21/10.
TP. Hồ Chí Minh
Tại thành phố Hồ Chí Minh cùng một số thành phố khu vực phía nam khác, hiện tượng sương mù lẫn khói bụi cũng đã diễn ra liên tục từ đầu tháng nay, gây hoang mang trong xã hội.
Theo ông Đặng Văn Dũng - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, sương mù trên là dạng sương mù khô (mù khô) - một dạng khói bụi tồn tại trong lớp không khí gần mặt đất do các hoạt động ở đô thị tạo ra. Mù khô thường xuất hiện sau những ngày ít mưa, lặng gió (thường từ thời điểm tháng 10 đến tháng giêng năm sau).
“Riêng tình trạng xuất hiện sương mù khô ở TP.HCM và nhiều nơi khác mấy ngày qua có nguyên nhân rất lớn từ khói bụi do cháy rừng xảy ra tại Indonesia trước đó” - ông Dũng khẳng định.
Ông lý giải thêm: những đám khói bụi do cháy rừng được dải hội tụ gió hút lên trên cao và theo các trường gió này khuếch tán ra những nơi khác xa hơn.
Trong quá khứ, VN cũng từng hứng chịu khói bụi từ những vụ cháy rừng, hoạt động núi lửa từ Indonesia.
Nghi Điền
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy