Dòng sự kiện:
Động thái của Moody’s với Việt Nam: Hiểu đúng để hành động đúng
20/10/2019 12:32:36
Ngày 9/10 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã ra thông báo đặt mức xếp hạng tín nhiệm phát hành nợ bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng của CPVN, hiện ở mức Ba3, vào diện xem xét hạ xuống trong vòng ba tháng tới(1).

Theo Moody’s, nguyên nhân của động thái này là những khiếm khuyết về thể chế, liên quan đến những khoản chi trả chậm trễ đối với một nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Một sự xuống hạng “oan ức” không đáng có sẽ kéo theo nhiều hệ lụy to lớn cho quốc gia. Ảnh Reuters.

Trong khi thông tin họ có được cho đến thời điểm này cho thấy không hoặc chỉ có thiệt hại tối thiểu cho các chủ nợ, nhưng khiếm khuyết trong sự phối hợp và lập kế hoạch giữa các cơ quan liên quan trong việc ra quyết định và hành động cần thiết để kịp chi trả một số nghĩa vụ nợ, cũng như quy trình thủ tục phức tạp có thể cản trở Chính phủ trả nợ đầy đủ và kịp thời, được thể hiện qua việc chậm trả nợ này, cho thấy mức tín nhiệm đã có thể không còn tương xứng với hạng tín nhiệm Ba3 nữa.

Nợ nào cũng là... nợ!

Trước thông báo trên của Moody’s, Bộ Tài chính đã có ý kiến phản hồi chính thức. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ bị chậm thanh toán được Moody’s nhắc tới là nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nợ trực tiếp của Chính phủ.

“Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay”, Bộ Tài chính cho biết (2). Ngoài ra, bộ này cũng khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Bộ Tài chính cho rằng Moody’s cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.

“Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Không rõ thực hư việc Bộ Tài chính khẳng định đã trả nợ (kịp thời) trong khi Moody’s lại cho rằng đã có sự chậm trễ. Nhưng có một thực tế cần lưu ý, không chỉ Moody’s mà các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín khác trên thế giới như Standard & Poor’s (S&P) cũng coi nghĩa vụ nợ dự phòng là một “bộ phận khăng khít” trong sự đánh giá tổng thể tín nhiệm quốc gia của họ ((3), (4)).

Do đó, chúng ta cần chấp nhận một thực tế rằng khi đã không trả nợ đúng và đầy đủ một khoản nợ dự phòng phát sinh thành nghĩa vụ thật nào đó, thì sẽ bị đánh giá là vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, hoặc không muốn thanh toán. Vì vậy, để tránh những mất mát, thiệt hại không đáng có cho uy tín quốc gia thì cần “quán triệt” trước hết rằng nợ dự phòng cũng là nợ, cũng phải nghiêm túc trả ngay, luôn và đầy đủ khi trở thành nghĩa vụ thật, chẳng hạn khi con nợ được Chính phủ bảo lãnh mất khả năng thanh toán đúng hạn khoản nợ của mình.

Thêm nữa, như đã nói, Moody’s hay các hãng xếp hạng tín nhiệm khác đều công khai, công bố các cập nhật về phương pháp tính toán và quyết định xếp hạng tín nhiệm của mọi khách hàng - khách tự nguyện hay bất đắc dĩ - và tất nhiên là nhận được sự chấp nhận, chấp thuận rộng rãi trên thị trường quốc tế (vì thế mới có thể tồn tại và phát triển được đến ngày nay) nên rất khó để nói việc họ chỉ căn cứ vào một sự việc riêng lẻ (để xem xét hạ hạng tín nhiệm) là không hợp lý.

Cũng cần phải nói thêm về bình luận của các chuyên gia ở Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, rằng Việt Nam không thiếu tiền trả nợ, rằng dự trữ ngoại hối lớn và chi tiêu công thấp hơn năm trước(2). Thực ra, những điều này đã được Moody’s nêu trong thông báo của mình. Vấn đề quan trọng ở đây là họ xem xét hạ bậc tín nhiệm Việt Nam chủ yếu bởi thực trạng thể chế hiện nay có thể không còn tương xứng với hạng tín nhiệm Ba3 nữa, không thể đảm bảo sẽ không có những rủi ro chậm trả nợ trong tương lai mà thôi.

Để tránh tình trạng “bé xé ra to”

Căn cứ vào thông báo của Moody’s và phản hồi của Bộ Tài chính, có thể thấy một phần nguồn cơn của sự việc bắt nguồn từ quan niệm xem nhẹ trách nhiệm liên quan đến nợ dự phòng, gồm các khoản nợ có bảo lãnh của Chính phủ, chẳng hạn cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Và khi nợ dự phòng thành nợ thật do DNNN không trả được nợ đúng hạn, các cơ quan hữu trách trở nên lúng túng vì đã không có kế hoạch hành động cụ thể trong một khung thời gian cụ thể.

Vì vậy, giải pháp dài hạn để tránh hậu quả lớn từ một lý do khá “đơn giản” như thế, trước hết là cần hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ với các khoản vay của DNNN, bởi thực tế cho thấy không ít trường hợp sự bảo lãnh đã trở thành nghĩa vụ trả nợ thật. Nói cách khác, không được chủ quan cho rằng chỉ là bảo lãnh nên không gây ra gánh nặng cho quốc gia để rồi bảo lãnh một cách bất cẩn.

Tiếp đó, cần phải thực thi nghiêm túc trích lập và sử dụng các loại quỹ dự phòng theo đúng tinh thần là để sử dụng được ngay cho các nghĩa vụ khẩn cấp, bất thường. Tinh thần này cho đến nay dường như vẫn bị xem nhẹ bởi một bộ phận chuyên gia và quan chức, như được thể hiện qua những khuyến nghị rất “lạ”, chẳng hạn sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để xử lý nợ xấu...(5).

Đồng thời, khi đã có nợ dự phòng, cần lên kế hoạch cụ thể về trả nợ đột xuất khi nợ dự phòng thành nợ thật. Điều này có nghĩa là luôn phải “treo” một nguồn dự trữ trong các quỹ dự phòng tương ứng với tổng các khoản nợ dự phòng để sẵn sàng chi trả trong mọi thời điểm, mà không được đụng đến cho những mục đích khác với lý do là chưa được dùng đến nên đang “nhàn rỗi”.

Điều này không chỉ giúp tránh rơi vào tình trạng bị động khi phải “giật gấu vá vai” các nguồn tài chính khác nhau để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ đột xuất, gây ảnh hưởng dây chuyền, mà còn tạo sự chủ động trả nợ kịp thời, đầy đủ.

Do chi phí trích lập và duy trì quỹ dự phòng sẽ tăng theo lượng vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ, nên điều này càng cho thấy sự cần thiết phải hạn chế tối đa việc Chính phủ bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp.   

Trước mắt, trong thời hạn ba tháng xem xét của Moody’s, Chính phủ cần khẩn trương rà soát mọi nghĩa vụ nợ dự phòng và nợ trực tiếp của Chính phủ và có kế hoạch đảm bảo không một khoản chi trả nợ nào sẽ bị trì hoãn vì bất cứ lý do nào mà không được sự chấp thuận của các chủ nợ.

Nỗ lực khắc phục các tồn tại của Chính phủ trong giai đoạn trọng yếu này mới là cách thuyết phục hữu hiệu duy nhất để tránh được một sự xuống hạng “oan ức” không đáng có, vốn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy to lớn cho quốc gia.  

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến