Dòng sự kiện:
Dự án đội vốn lên 10.000 tỷ đồng 'đắp chiếu' tại Lào, trách nhiệm Vinachem đến đâu?
19/03/2019 11:21:39
Mặc dù Bộ Tài chính chưa bảo lãnh để giải ngân vốn vay nhưng Vinachem đã thực hiện ký hợp đồng mà chưa đảm bảo chắc chắn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng...

“Đội” vốn từ 377 triệu USD lên hơn 522 triệu USD

Bộ Công Thương mới đây đã có kết luận thanh tra dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Dự án được triển khai từ năm 2004, giai đoạn 2004-2008, Vinachem đã thành lập Ban chuẩn  bị đầu tư để trực tiếp triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư dự án. Cuối năm 2008, Vinachem thành lập Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Nam (Vilachemsalt) là công ty con của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và được tập đoàn đầu tư 100% vốn.

Ngày 4/3/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định phê duyệt đầu tư dự án với công suất 320.000 tấn KCl/năm (hàm lượng 95%) và 300.000 tấn Nacl/năm (hàm lượng 98%) trên diện tích được cấp phép là 10km2, diện tích khai thác khoảng 3,8km2. Tổng mức đầu tư dự án là 522,466 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có hơn 104,493 triệu USD, vốn vay ưu đãi Ngân hàng phát triển Việt Nam 113,1 triệu USD; vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ là 261,233 triệu USD; vốn vay thương mại không bảo lãnh là hơn 43,6 triệu USD. Tiến độ xây dựng dự án dự kiến 40 tháng.

Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt dự án, Hội đồng thành viên Vinachem đã ban hành Quyết định 131 phê duyệt kế hoạch đấu thầu làm cơ sở triển khai thực hiện dự án. Theo kế hoạch đấu thầu được phê duyệt, dự án bao gồm 15 gói thầu trong đó có 2 gói thầu chính là Gói số 9 Tư vấn quản lý dự án PMC và gói thầu số 10 EPC cùng các gói thầu phụ trợ.

Dự án được khởi công vào ngày 13/9/2015. Tuy nhiên, đến 26/7/2017, Vinachem có văn bản thông báo tạm ngừng công việc của hợp đồng EPC. Theo nhà thầu EPC tự tính toán, đến 25/7/2017 tiến độ hợp đồng EPC đã đạt được khoảng 57,086% khối lượng hợp đồng ký tuy nhiên, chủ đầu tư mới chỉ xem xét các hồ sơ thanh toán đến ngày 25/10/2016. Số liệu chủ đầu tư chấp nhận hồ sơ nghiệm thu đủ điều kiện thanh toán là 16,275% khối lượng hợp đồng.

Kết quả thanh tra của Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của Công ty Ercosplan (Đức) giao Vinachem ngày 25/2/2011 tổng mức đầu tư của dự án là 377 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi tính toán theo quy định hiện hành của Việt Nam, một số chi phí phải bổ sung vào dự án, do đó tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh là 522,466 triệu USD.

“Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tập đoàn và các bộ phận tham mưu có liên quan”, Bộ Công Thương kết luận.

Lý do thay đổi tổng mức đầu tư là do bổ sung thuế giá trị gia tăng 40 triệu USD và lãi vay trong thời gian xây dựng 75 triệu USD. Phân bổ chi phí thăm dò của dự án thăm dò tỉ mỉ đánh giá trữ lượng muối kali vào dự án khai thác và chế biến (5 triệu USD).

Bổ sung chi phí thiết bị chế biến nâng hàm lượng mối ăn Nacl từ 92% lên 98% nhằm tăng hiệu quả kinh tế của dự án và bảo vệ môi trường, thay đổi loại than sử dụng cho nhà máy phát điện từ loại than chất lượng cao sang loại than cám 5, tăng chi phí gián tiếp, chi phí khác, dự phòng ... 25 triệu USD.

Liên quan đến công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, tại thời điểm thanh tra (tháng 8/2018), Vinachem giải trình Tập đoàn không thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (dự án không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại Nghị quyết 66 ngày 29/6/2006 của Quốc hội).

Việc chủ đầu tư phối hợp chưa chặt chẽ với nhà thầu tư vấn trong quá trình thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà thầu tư vấn thiếu cập nhật các quy định của Việt Nam đối với dự án có vốn nhà nước, quá trình thực hiện dài (từ 2008 đến 2011) dẫn đến Tổng mức đầu tư dự án thay đổi lớn do phát sinh (từ 377 triệu USD lên 522 triệu USD). Theo Bộ Công Thương, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tập đoàn và các bộ phận tham mưu có liên quan.

Năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã có báo cáo nêu tổng mức đầu tư dự án không được xác định theo các phương pháp quy định tại Điều 5, Nghị định 22 ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (giá chi phí xây dựng, chi phí thiết bị thuyết minh là tính theo công trình tương tự tại Đức nhưng thực tế tính toán không có căn cứ, cơ sở mà lấy  theo một giá trị cố định theo kinh nghiệm của tư vấn lập dự án đầu tư, các chi phí thiết bị được lấy theo tỷ lệ % với chi phí nhà máy tuyển, sản xuất nhưng không nêu cơ sở, căn cứ xây dựng các hệ số tỷ lệ này); trong khi nhà thầu tư vấn độc lập dự án đầu tư xác định sai số trong phương pháp tổng mức đầu tư trung bình dao động trên dưới 25% nhưng chưa được Vinachem xem xét, tính toán điều chỉnh dẫn đến việc xác định gói thầu không có căn cứ, cơ sở để đảm bảo mức độ chính xác.

Dự án “đắp chiếu” vì không được cấp bảo lãnh

Báo cáo kết luận cũng cho biết, tiến độ thực hiện dự án chậm so với phê duyệt đầu tư khi thực tế triển khai ký hợp đồng EPC và tổ chức khởi công ngày 13/9/2015 trong khi quyết định phê duyệt đầu tư 4/3/2013 với tiến độ 40 tháng. Như vậy, dự án khởi công sau khi phê duyệt 30 tháng. Đến thời điểm thanh tra vẫn chưa có quyết định điều chỉnh tiến độ dự án.

Thời điểm thanh tra, một số hợp đồng của dự án đã hoàn thành nhưng chậm tiến độ nhiều so với cam kết như gói thầu EPC, thời điểm tạm dừng thực hiện hợp đồng là tháng thứ 19/40 theo sơ đồ tiến độ là chuẩn bị đến thời gian chạy thử nhưng mới thi công đến hạng mục móng công trình; gói thầu số 6 chậm tiến độ 98 ngày so với quy định hợp đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng nhà thầu thực hiện đã chậm tiến độ so với yêu cầu hợp đồng 826 ngày.

Dự án đã 2 lần tạm dừng, lần thứ nhất vào ngày 21/11/2016 và lần 2 là 23/05/2017. Theo giải trình của Vinachem “ngày 7/11/2016, Bộ Tài chính có văn bản không cấp bảo lãnh cho dự án và yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tự chủ động triển khai dự án. Do Tập đoàn không đủ khả năng để có thể tự thu xếp toàn bộ nguồn vốn thực hiện dự án và để hạn chế các chi phí tăng thêm cho chủ đầu tư nên Tập đoàn đã có văn bản báo cáo, đề xuất xử lý tình huống khẩn cấp “nếu đến ngày 20/11/2016 Tập đoàn chưa có được bảo lãnh thì tập đoàn sẽ ra thông báo tạm dừng dự án tới các nhà thầu” và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, giải quyết...”.

Vinachem cũng cho biết, trong khi chờ phương án xử lý dừng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngày 2/3/2018, Vinachem nhận được văn bản mật của Cục Hóa chất, Bộ Công Thương về việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến dự án. Theo đó, Cục Hóa chất đã đề nghị tập đoàn triển khai xây dựng phương án để dừng thực hiện dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Ngày 15/5/2018 Bộ Công Thương có văn bản (mật) yêu cầu Vinachem dừng, kết thúc các hợp đồng của dự án, đánh giá xác định lại khối lượng, chi phí đã thực hiện và dự kiến chi phí phát sinh khi kết thúc các hợp đồng theo quy định của pháp luật đảm bảo thu hồi tối đa vốn đầu tư, không để thất thoát vốn nhà nước.

Đáng lưu ý, khi thẩm định dự án vào năm 2012, Bộ Tài chính đã đề nghị “đánh giá về giá sản phẩm của dự án nhập về Việt Nam so với giá sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại từ nguồn khác”. Nhưng Tập đoàn Hóa chất không thực hiện mà chỉ sử dụng đúng kết quả của tư vấn lập dự án để trình Bộ Công Thương phê duyệt dự án.

Giai đoạn ký hợp đồng EPC và khởi công, mặc dù Bộ Tài chính chưa bảo lãnh để giải ngân vốn vay nhưng Vinachem đã thực hiện ký hợp đồng mà chưa đảm bảo chắc chắn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng. Trách nhiệm này cũng thuộc về tổ công tác tham mưu trong việc ký kết hợp đồng cho dự án, Ban Tài chính kế toán, HĐTV và Ban Tổng giám đốc Vinachem.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến