Dòng sự kiện:
Dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh 'tắc' vốn vì TP HCM ngưng dự án BT
07/03/2018 17:26:54
Hiện tất cả dự án xây dựng - chuyển giao (BT) tại TP HCM đang bị tạm ngưng. Tuy nhiên, UBND TP có thể đề xuất với Thành uỷ, lấy dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh làm thí điểm quy trình thực hiện dự án BT.

Nguyên nhân là việc mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh không những giải quyết bài toán giao thông cho thành phố mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh tại cảng Phú Hữu hoạt động có hiệu quả. Muốn vậy, doanh nghiệp phải chia sẻ trách nhiệm cùng với chính quyền.

Đây là ý kiến của ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM tại buổi khảo sát tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay đường Vành đai 2 đến đường 990 ngày 1/3.

“Tuy nhiên hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn. Trong khi dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh thực hiện theo hình thức BT nhưng TP HCM chủ trương tạm ngưng triển khai các dự án BT để rà soát lại quy trình. Trong khi đó, ngân sách TP HCM không ghi vốn trung hạn thực hiện các dự án đến năm 2020 nên sẽ không thể sắp xếp vốn ngân sách thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.

Cũng tại buổi khảo sát, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở GTVT rà soát lại dự án, báo cáo UBND TP HCM để xin ý kiến của Thành uỷ. Bởi trước đó, Thường trực Thành uỷ đã chủ trương tạm dừng dự án đầu tư theo hình thức BT để rà soát quy trình, đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản Nhà nước.

Trong những trường hợp đặc biệt, thực sự cần thiết như dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, UBND TP HCM có thể đề xuất với Thành uỷ, lấy dự án này làm thí điểm quy trình thực hiện dự án BT, sau đó áp dụng đại trà đối với các dự án khác.

Vị trí đường Nguyễn Duy Trinh

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC), đơn vị được TP HCM đồng ý làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay đường Vành đai 2 đến đường 990, doanh nghiệp sẵn sàng cho TP.HCM mượn 300 tỷ đồng không lãi suất trong 3 năm để làm dự án. Phần bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ do TP HCM thực hiện.

Hiện nay, cảng Phú Hữu có quy mô, thiết bị cảng biển hiện đại và cũng là cảng đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình hải quan điện tử thành công. Tuy nhiên, do ùn tắc giao thông đường ra vào cảng nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đó, UBND TP HCM đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh quy mô 30m, đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990 dài 1,6km theo hình thức BT do ITC làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 930 tỷ đồng. Trong đó, chi cho giải phóng mặt bằng hơn 700 tỷ đồng.

Hiện tại, đường Nguyễn Duy Trinh chỉ lưu thông 2 làn xe cơ giới rộng khoảng 7m. Vào giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng dây chuyền đến lưu thông phương tiện trên đường Vành đai 2 ra vào cảng Cát Lái, Xa Lộ Hà Nội phía quận 2 và đường Võ Chí Công, qua cầu Phú Mỹ về quận 7.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến