Dòng sự kiện:
Dự án sân bay Long Thành chậm trễ, vênh số liệu
02/11/2018 16:04:31
Các báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành đều chậm, ảnh hưởng tới tiến độ toàn bộ dự án.

Báo cáo thẩm tra mới nhất của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về tiến độ thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, đang có sự vênh nhau về số liệu. 

Theo Nghị quyết số 53/2017, diện tích đất phân khu III của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 22.940 tỷ đồng. Trong khi báo cáo Chính phủ nêu phần diện tích này ít hơn 15 ha, còn gần 82 ha và tổng mức đầu tư giảm 82 tỷ đồng, xấp xỉ 22.860 tỷ. 

"Đề nghị Chính phủ làm rõ sự khác biệt này", Uỷ ban Kinh tế kiến nghị. 

Phối cảnh sân bay Long Thành theo thiết kế hình hoa sen.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, hiện các báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án xây dựng sân bay Long Thành và dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đều quá chậm so với kế hoạch.

Ba năm sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư (tháng 6/2015), đến giờ, Bộ Giao thông Vận tải mới ký hợp đồng tư vấn thực hiện gói thầu khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1. Trong khi đó, theo kế hoạch báo cáo này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019 và Thủ tướng phê duyệt sau đó 2 tháng. 

"Quá trình triển khai quá chậm làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án. Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân, tác động và giải pháp khắc phục", báo cáo nêu.

Còn báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, cũng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dù chủ trương đã có một năm trước và tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm một số bước. Không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ dự án giai đoạn 1 xây dựng sân bay Long Thành, sinh kế người dân khu vực dự án cũng bị tác động do hạn chế quyền sử dụng đất. 

Nguyên nhân khách quan được cơ quan thẩm tra nhắc tới do "lần đầu tiên một dự án giải phóng mặt bằng phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi", quy định pháp luật chưa đầy đủ.

Song thực tế sự chậm trễ là do chất lượng của hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi  chưa bảo đảm dẫn đến phải bổ sung nhiều lần theo yêu cầu của cơ quan thẩm định. 

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng chưa phối hợp tốt, giải đáp các vướng mắc của địa phương... làm kéo dài thời gian hoàn thành báo cáo. Thời gian phê duyệt báo cáo này kéo dài cũng một phần do nhân sự của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành (Hội đồng thẩm định) thay đổi nhiều, không có tính kế thừa nên phải chuẩn bị nhiều nội dung có tính chất trùng lặp.

Khắc phục điểm nghẽn này, Uỷ ban Kinh tế đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm, sớm hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Giao thông Vận tải rà soát việc lập quy hoạch bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cả bên trong và bên ngoài sân bay Long Thành; yêu cầu các cơ quan tư vấn tính toán phương án vốn cho dự án, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách.

UBND tỉnh Đồng Nai rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh, điều chỉnh phù hợp với Luật Quy hoạch, làm căn cứ để quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực sân bay. Công khai thông tin quy hoạch và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân để tránh khiếu kiện.

Tại cuộc thảo luận về kinh tế xã hội cuối tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra sốt ruột khi dự án sân bay Long Thành chậm trễ dù đã có chủ trương đầu tư và được hưởng cơ chế đặc thù. "Đến năm 2020 khả năng dự án này không giải ngân hết trong khi nhiều công trình khác cần vốn, sẽ lãng phí nguồn lực", đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nói.

Còn đại biểu Dương Trung Quốc nói, "dân chờ đợi, chính quyền địa phương sẵn sàng, tiền đã có trong túi nhưng từ tháng 5 đến nay văn bản về dự án khả thi giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thông qua".

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho hay, trong tháng 11 nếu Chính phủ phê duyệt được dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng khoản 23.000 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng.

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.

Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

Quy mô dự án là thu hồi đất một lần toàn bộ 5.000 ha để xây dựng sân bay và 364 ha để xây dựng 22 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến