Dòng sự kiện:
Dự thảo sửa đổi Nghị định 58 đã được trình Chính phủ?
15/05/2015 14:07:05
ANTT.VN – Nếu bỏ đi “đề xuất nới và quản lý room đối với các ngành thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế” thì Nghị định 58 (sửa đổi) có lẽ sẽ chỉ còn là Nghị định áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán và việc ban hành một Nghị định sẽ là không cần thiết.

Tin liên quan

Giới đầu tư đang kỳ vọng rất nhiều vào việc sửa đổi Nghị định 58

Theo một số nguồn tin của ANTT.VN, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã được các cơ quan hữu quan gửi đến Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng xem xét. Thời điểm được cho là từ vài tuần trước.

Nội  dung dự thảo vẫn bao gồm 2 điểm chính: (1) Nâng room cho lĩnh vực chứng khoán (chỉ áp dụng cho đối tác chiến lược) & (2) Đề xuất nới và quản lý room đối với các ngành thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế.

Cả hai điểm nêu trên đều là những nội dung quan trọng của Dự thảo. Trong đó, nội dung thứ 2 đã gặp phải không ít khó khăn trong hơn một năm qua.

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, một chuyên gia phân tích kỳ cựu cho rằng, nếu bỏ đi nội dung thứ 2 thì Nghị định 58 (sửa đổi) có lẽ sẽ chỉ còn là Nghị định áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán. Và trong trường hợp này, ban hành một Nghị định là không cần thiết vì Bộ Tài chính được phép ban hành Quyết định để quản lý hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán mà không cần phải trình cấp cao hơn xem xét phê duyệt. Do đó, ông cho rằng Nghị định 58 có phạm vi rộng hơn thế.

Nội dung của dự thảo mới nhất có lẽ cũng sát với nội dung của dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vài tháng trước, trước khi gửi Bộ Tư pháp để lấy ý kiến”, ông cho hay.

Việc xây dựng Dự thảo sửa đổi,bổ sung một số điều của Nghị định 58 đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong thị trường từ nhiều tháng trước

Được biết, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán được ban hành vào ngày 20/7/2012 và có hiệu lực thi hành ngày kể từ ngày 15/9/2012, đồng thời thay thế cho các Nghị định số 14/2007/NĐ-CP, Nghị định số 84/2010/NĐ-CP và Nghị định số 01/2010/NĐ-CP.

Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết các điều khoản mà Chính phủ quy định và một số nội dung cần thiết khác, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh chứng khoán.  Cùng với sự phát triển của thị trường, hệ thống khuôn khổ pháp lý nói chung và Nghị định 58 nói riêng đã bộc lộ một số hạn chế, như:

Về chào bán chứng khoán ra công chúng: Nghị định 58 chưa có quy định hướng dẫn đối với trường hợp chào bán ra công chúng để thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước, về tỷ lệ thành công của đợt chào bán chứng khoán, về giám sát đối với hoạt động chào bán và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán… Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, chưa nâng cao được trách nhiệm giám sát của các cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để xem xét.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ: Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực vào ngày 01/7/2015 đã có những thay đổi liên quan tới quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ của các công ty cổ phần. Do vậy, các quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ tại Nghị định 58 cũng cần được điều chỉnh phù hợp.

Về niêm yết, giao dịch chứng khoán: Quy định về niêm yết chưa bao quát hết các loại chứng khoán niêm yết (các quỹ)... Ngoài ra, quy định về giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng cần xem xét để tạo điều kiện cho hoạt động quản lý cũng như giao dịch của người sở hữu chứng khoán.

Về tổ chức và kinh doanh chứng khoán: Hiện tại chưa có hướng dẫn về trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK), quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại TCKDCK Việt Nam cũng cần điều chỉnh để đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Về tham gia của NĐTNN: Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 đã quy định mới về nhà đầu tư nước ngoài, quy định về hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn của thị trường, của quá trình hội nhập đã đặt ra yêu cầu phải quy định chi tiết về tham gia của NĐTNN trên TTCK Việt Nam tại Nghị định này, nó sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động đầu tư của NĐTNN trên TTCK Việt Nam.

Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ 01/7/2015, đây là những luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động của TTCK. Tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 để phù hợp với pháp luật hiện hành.

Từ thực tế nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK nhận thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 là thật sự cần thiết.

Theo đó, quan điểm, mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị định là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là khi một số luật mới được sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư; hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK; Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc trong hoạt động của TTCK; Tạo cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Góp phần thu hẹp thị trường tự do; Lành mạnh hóa, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK; Thu hút đầu tư; Thúc đẩy thị trường công khai, công bằng, minh bạch; Tăng cường quản lý của Nhà nước.

Dự thảo Nghị định tập trung vào những nội dung cơ bản như: Tham gia của nhà đầu tư có vốn nước ngoài trên TTCK Việt Nam;  Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Chào bán chứng khoán ra công chúng;  Chào bán chứng khoán ra nước ngoài; Mua lại cổ phiếu, chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng; Niêm yết, giao dịch chứng khoán; Tổ chức kinh doanh chứng khoán; Về quỹ đầu tư bất động sản.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến