Bầu Đệ, doanh nhân xứ Thanh được cấp súng
15/05/2015 11:46:21
Không chỉ được cấp súng (công cụ hỗ trợ), ông Nguyễn Văn Đệ (“bầu” Đệ) lại được cấp xe biển xanh (loại biển số chỉ dành cho các đơn vị hành chính Nhà nước).

Tin liên quan

Biển xe ưu tiên và... súng

Theo tìm hiểu, Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực (ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được thành lập từ năm 2005 thuộc Công ty CP Hợp Lực Thanh Hóa. Hiện bệnh viện này đang sở hữu một dàn xe vận chuyển bệnh nhân có gắn biển kiểm soát màu xanh - loại dành cho các đơn vị sự nghiệp hành chính có thu.

“Bầu” Đệ được cấp biển xe màu xanh và súng

Những chiếc xe của Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hợp Lực được gắn biển xanh trong khi các bệnh viện tư nhân khác "mơ cũng không có".

Một độc giả cung cấp thông tin: “Tôi thường xuyên đưa người nhà đến Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực khám, chữa bệnh. Rất nhiều lần tôi nhìn thấy xe vận chuyển bệnh nhân có gắn biển màu xanh 36M, sườn xe có dòng chữ Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực. Thật lạ… đây là bệnh viện 100% vốn tư nhân, sao lại được cấp biển ưu tiên”.

Được biết, hiện Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực đang sở hữu ít nhất 5 chiếc xe vận chuyển bệnh nhân có gắn biển kiểm soát màu xanh. Những chiếc xe này vận chuyển bệnh nhân theo hợp đồng dịch vụ và được cấp biển số ưu tiên từ năm 2013. Hiện những chiếc xe này vẫn đang hoạt động.

Thiếu tá Trịnh Cao Cường - Đội trưởng Đội Đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, có tình trạng cấp biển xanh cho Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực. Tuy nhiên anh cho rằng, đây là hệ quả từ những người đi trước. Những biển kiểm soát màu xanh 36M cấp cho bệnh viện tư nhân này từ 3 năm trước và thời điểm đó anh chưa về Phòng Cảnh sát giao thông.

“Thời điểm cấp biển số xanh cho Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xác định nhầm đối tượng nên mới cấp. Chuyện đã cũ và do thế hệ trước để lại nên rất khó xử lý” - Thiếu tá Trịnh Cao Cường nói.

Tuy nhiên, với cương vị đang đảm nhiệm là Đội trưởng Đội Đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thiếu tá Trịnh Cao Cường lại không đưa ra được phương hướng giải quyết.

Xung quanh vấn đề tại Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực, theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông Nguyễn Văn Đệ (tức “bầu” Đệ) là người giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc. Ngoài việc cấp biển xanh, hiện ông Đệ cũng được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Thanh Hóa) cấp súng bắn đạn cao su.

Thông tin ông Đệ có súng khiến dư luận thất kinh và bức xúc. Dư luận đặt ra câu hỏi rằng, người đứng đầu một bệnh viện tư nhân này cần súng để làm gì (?). Ông ta đâu phải là yếu nhân, là quân nhân hay người làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh mà phải cần súng để phòng thân? Có phải việc cấp súng của Công an tỉnh Thanh Hóa đang có vấn đề?

Ai cấp biển xanh, súng cho “sếp” doanh nghiệp?

Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Lê Cao - Hãng luật FDVN.

Theo Luật sư Lê Cao, hiện nay có nhiều người vẫn mang nặng tư tưởng muốn khoác lên mình chiếc áo công quyền cho oai, người ta xem sự màu mè như kiểu biển kiểm soát màu xanh là oai vệ hơn, hoành tráng hơn. Chuyện này không lạ, ví như có người tiền bạc đủ đầy nhưng cũng muốn mua một ghế cơ quan Nhà nước cho oai hơn thiên hạ. Đó là một sự mù quáng tai hại mà xã hội đang phải gánh chịu với những cái danh hão đầy màu mè sĩ diện.

Bầu Đệ và khẩu súng được cấp

Liên quan đến quy định pháp lý về cấp biển số màu xanh, tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe, chỉ những xe sau mới được đăng ký biển số xe có màu xanh: “Xe thuộc các cơ quan của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; các ban chỉ đạo Trung ương; Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập (trừ Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe công lập); Ban quản lý dự án có chức năng quản lý Nhà nước”.

Như vậy, xe của doanh nghiệp tư nhân, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và ngay cả Trung tâm sát hạch lái xe công lập cũng sẽ mang biển kiểm soát màu trắng chứ không phải màu xanh.

Còn tại Thông tư 36/2010/TT-BCA đang có hiệu lực vào thời điểm bệnh viện tư nói trên được cấp biển số cũng không quy định việc cấp biển kiểm soát màu xanh như vậy. Đây là việc cấp biển kiểm soát sai quy định, nhầm đối tượng, cần rà soát để xem xét việc cấp nhầm trong trường hợp này.

Súng bắn đạn cao su được xem là công cụ hỗ trợ, theo quy định tại Nghị định số 25/2012/NĐ-CP chỉ rõ đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; An ninh hàng không; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu, đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Cơ quan thi hành án dân sự; Thanh tra chuyên ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư; Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và một số trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp ngoài công lập nếu được cấp công cụ hỗ trợ thì chỉ có thể là cấp cho bộ phận làm công tác bảo vệ. Việc cấp cho Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc thì cần thiết phải xem lại.

“Trong trường hợp Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hợp Lực, chúng ta có thể thấy từ cả hai phía, một bên mong muốn được khoác màu xanh cho có vẻ công quyền và phía cấp phát tùy tiện công cụ hỗ trợ đều đã vượt quá khả năng hay quyền hạn luật định” - Luật sư Lê Cao nói.

Theo petrotimes.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến