Tin liên quan
Trong hai ngày 30/9 và 1/10, Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp phiên thường kỳ tháng 09/2015, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015.
Người phát ngôn Chính phủ dành phần lớn thời gian trả lời các câu hỏi mà báo chí và dư luận xã hội quan tâm.
Bộ GTVT: “Chưa có chế tài nên dừng thu phí xe máy”
Về vấn đề huy động vốn trái phiếu quốc tế ngắn hạn cho các công trình GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định “thông tin trên không chính xác”.
Đồng thời, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết: “Về khả năng sử dụng nguồn vốn của ngân hàng thương mại đang gửi ở nước ngoài, Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN đã tiến hành nghiên cứu, xem xét. Hiện nay, Bộ Tài chính xây dựng phương án để có thể huy động được nguồn vốn này. Phương án này đang được Chính phủ xem xét. Chúng tôi thấy rằng đây là một trong các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như hoạt động của các ngân hàng hiện nay để có đóng góp thêm vào các nguồn ngân sách”.
Bên cạnh đó, việc thu phí xe máy mới triển khai một năm đã phải dừng lại cũng được các cơ quan truyền thông quan tâm và đặt câu hỏi liệu tác động chính sách đã được Bộ GTVT đánh giá đầy đủ chưa và trong thời gian ngắn chính sách đã phải dừng như thế thì Bộ có rút kinh nghiệm gì không và Chính phủ có chỉ đạo Bộ rút kinh nghiệm không?
Bộ GTVT dừng thu phí xe máy sau một năm triển khai
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường giải thích: “Trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ có quy định thu phí với xe máy và giao UBND các tỉnh trực tiếp thu từ năm 2013, toàn bộ khoản thu để lại địa phương để duy tu đường của địa phương. Qua gần 3 năm thực hiện, số thu không nhiều, nguyên nhân là chưa có chế tài xử lý người không nộp. Chúng tôi và Bộ Tài chính đã tính đến việc UBND các phường, xã trực tiếp thu từ người có hộ khẩu ở địa phương để họ tự khai báo. Nhưng hiện nay, có thực trạng người chủ và người sử dụng không ở một nơi, chẳng hạn bố mẹ đăng ký xe máy sau đó cho con ra thành phố đi học, nên khả năng thu rất thấp. Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, dù đã miễn thu với hộ nghèo nhưng vẫn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trên thực tế số thu không đủ số chi ở địa phương”.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí với mô tô, xe máy. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 triệu xe máy, bình quân thu khoảng 70.000 mỗi xe, nếu thu được hết sẽ được 2.800 tỉ, trong khi tổng số thu với ô tô chỉ khoảng 5 nghìn tỉ đồng. Số tiền đó nếu thu được sẽ có tác dụng khá lớn để duy tu đường địa phương.
“Nhưng do chưa có chế tài với người không nộp nên chúng tôi kiến nghị dừng thu để nghiên cứu tiếp, dùng các khoản thu khác để bù vào. Trước đây, thu phí qua trạm đã bỏ thu với xe máy rồi, chỉ thu với ô tô, thì bây giờ cũng theo hướng như thế để phù hợp với nguyện vọng của người dân” – Thứ trưởng Bộ GTVT bổ sung.
Sân bay Long Thành: 4 triệu USD hay 35 triệu USD?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thông tin thêm về dự án xây dựng Sân bay Long Thành được dư luận và xã hội quan tâm gần đây. “Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện Dự án này, trên cơ sở lập phương án đầu tư để báo cáo Quốc hội, cũng như báo cáo Chính phủ, đưa ra phương án để lựa chọn. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ rút ngắn thời gian để có thể làm sớm công tác giải phóng mặt bằng, cũng như chuẩn bị xong dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, có thể khởi công vào năm 2018. Đấy là dự kiến của Bộ”.
Mô hình sân bay Long Thành
Về thắc mắc liên quan đến chênh lệch giữa hai của đề nghị tài trợ hơn 4 triệu USD cho Dự án khả thi Sân bay Long Thành và một phương án khác lên đến 35 triệu USD Chủ đầu tư dự án khả thi là ACV, ông Trường cho biết: “Dự án Long Thành tổng thể là 100 triệu hành khách một năm khi chúng ta hoàn chỉnh toàn bộ. Để nghiên cứu báo cáo, chúng ta phải nghiên cứu tổng thể toàn bộ phương án cho cả 3 giai đoạn. Chúng ta cần một khoản tiền để nghiên cứu kỹ lưỡng, từ khảo sát đánh giá tác động, cũng như đưa ra các phương án để lựa chọn, và đặc biệt phải đấu thầu, tư vấn quốc tế. Tất cả những việc đó, theo như suất đầu tư của các nước làm cho giai đoạn nghiên cứu lập phương án, tính ra phương án này khoảng 35 triệu USD”.
Giai đoạn 1 chỉ xây dựng một đường băng cất hạ cánh và một nhà ga cùng một số dịch vụ thiết yếu để có thể đáp ứng được 25 triệu hành khách một năm, trước mắt là tăng cường cho Sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đưa vào nghiên cứu phương án khả thi, số tiền đó chưa cần lớn đến như vậy. Các giai đoạn nghiên cứu khác nhau cho nên số tiền khác nhau. Tuy nhiên tất cả phải dựa trên số liệu cũng như cách làm mang tính chất tổng thể nhất và các chi phí đưa ra hợp lý nhất, để có một đề án tốt nhất.
Trên thế giới, bất cứ quốc gia nào, đối với những sân bay trung chuyển cần làm rất chu đáo và cẩn thận, phải qua nhiều cuộc hội thảo, cũng như nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới thì mới lựa chọn được phương án tốt nhất. Những gì công bố mới là sơ bộ, còn đến nay Bộ chưa công bố số tiền lập phương án sân bay một cách chính thức.
“Việc tài trợ hiện nay cũng chưa có một tổ chức nào chính thức mà chỉ nêu các vấn đề như thế. Bộ đang nghiên cứu để có thể báo cáo Thủ tướng. Khi điều kiện cho phép mới có thông tin chính thức” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Hoa Liên (th)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy