Tin liên quan
Biểu đồ trên thể hiện chỉ số Bloomberg Commodity Index (BCOM), theo dõi và phản ánh các loại hàng hóa cơ bản (HHCB) bao gồm: nhiên liệu, kim loại công nghiệp, lương thực thực phẩm, kim loại quý và các loại hạt từ cây công nghiệp.
Sau giai đoạn biến động cuối thế kỉ trước, chỉ số này đã tăng liên tục trong những năm đầu thập niên 2000. Bối cảnh nền kinh tế thế giới lúc bấy giờ có thể giải thích cho sự tăng tốc đột ngột này: lạm phát cao, đồng USD yếu và lãi suất thấp.
Từ 2001-2007, USD đã mất 41% giá trị, kéo theo tất cả HHCB được giao dịch dưới USD tăng giá chóng mặt. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh phát triển khu vực xây dựng, giao thông, cơ sở hạ tầng, bất động sản và lĩnh vực sản xuất. Chỉ số BCOM đã tăng từ 90 lên gần 240 trong giai đoạn này.
Hiện nay, phần còn lại của câu chuyện như đã biết: lạm phát thấp tới mức chính phủ Mỹ cũng như một số quốc gia khác thậm chí còn lo sợ nguy cơ giảm phát. Trong khi đó đồng USD ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Hai yếu tố này là những nguyên nhân quan trọng khiến giá cả HHCB lao dốc không thấy đáy trong thời gian qua.
Thừa cung trên phạm vi toàn cầu đã khiến giá dầu giảm gần một nửa so với cùng kì năm trước, từ 87$/ thùng xuống 45$/ thùng. Số liệu cho thấy lượng dư cung đang ở mức 2,5 triệu thùng/ ngày do sản lượng ở Nga và Trung Đông vẫn tiếp tục ở mức cao, trong khi nhu cầu thế giới đang tăng chậm lại. Goldman Sachs cho rằng giá dầu có thể giảm xuống 20$/ thùng với viễn cảnh ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tối ưu được chi phí khai thác.
Giá dầu đã giảm gần 50% trong một năm qua.
Yếu tố Trung Quốc
Ở một khía cạnh khác, không thể đánh giá thấp những tác động từ tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Nước này đã và đang là một công trường xây dựng khổng lồ của cả thế giới. Chính phủ Bắc Kinh đã cấp phép đầu tư ở mức độ chưa từng thấy trong 10 năm qua. Do vậy một khi nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới này giảm tốc, các công ty sản xuất HHCB khó tránh khỏi những hiệu ứng tiêu cực.
Trung Quốc hiện tiêu thụ 54% sản lượng nhôm thế giới, 48% sản lượng đồng, 50% nicken, 45% thép và 60% sản lượng bê tông. Bloomberg chỉ ra rằng trong 3 năm qua, nước này đã tiêu thụ lượng bê tông bằng số lượng của nước Mỹ trong cả thế kỷ 20.
Về phần năng lượng, Trung Quốc sử dụng 49% sản lượng than của cả thế giới, 13% uranium và 12% dầu thô. Đối với lương thực - thực phẩm, nước này tiêu thụ 30% sản lượng gạo trên toàn cầu, 22% các loại ngũ cốc và 17% bột mỳ.
Tuy nhiên trong một năm trở lại đây kinh tế Trung Quốc đang diễn biến một cách tiêu cực. Tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt 7%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Tăng trưởng đầu tư trong 8 tháng đầu năm thấp nhất kể từ năm 2000. Sản lượng điện chỉ tăng 0,8% trong 8 tháng qua so sánh với mức 5% trong cùng kì năm ngoái.
Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm 6% so với cùng kì năm 2014. Trong khi giá nhôm giảm 16% kể từ đầu năm. Lợi nhuận trong khu vực công nghiệp giảm 8,8% so với tháng 8 năm ngoái. Tất cả đang vẽ nên một bức tranh ảm đạm không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với rất nhiều các công ty HHCB lấy quốc gia này làm trung tâm trong chiến lược phát triển trong suốt những năm qua.
Nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc đã giảm 6% trong 8 tháng đầu năm.
Ảnh: Quặng sắt tại cảng Thượng Hải.
Thay đổi hay là chết
Như vậy, với viễn cảnh thời kỳ lãi suất ‘0%’ chuẩn bị chấm dứt ở Mỹ, lạm phát ở mức thấp trên thế giới cùng đường cầu đang dốc xuống của Trung Quốc, ngành công nghiệp HHCB thế giới được dự báo sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn tới.
Và ngay tại thời điểm hiện tại, những diễn biến mới nhất trên thị trường thế giới cho thấy các nhà sản xuất HHCB đang gánh chịu những tổn thất nặng nề. Họ dường như chỉ có hai lựa chọn: hoặc đóng cửa hoặc thay đổi cơ cấu để tồn tại.
Tập đoàn thiết bị công nghiệp nặng danh tiếng Caterpillar tuần vừa rồi cho hay sẽ cắt giảm 10 nghìn nhân sự do nhu cầu xuống thấp ở Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác.
Hãng dầu lửa Shell đã phải hoãn lại kế hoạch khoan dầu trị giá 7 tỷ USD đầy tham vọng ở Bắc Cực. Về phần mình, tập đoàn khai khoáng danh tiếng BHP Billiton đang rao bán một loạt các mỏ quặng kim loại trên khắp thế giới chỉ với giá vài trăm triệu USD, sau khi đã đầu tư hàng tỷ USD những năm trước đó.
Trong một diễn biến khác, ông trùm hàng hóa cơ bản Glencore trong nỗ lực tái cấu trúc đã công bố một chiến lược giảm nợ và kế hoạch bán cổ phần trong bộ phận nông nghiệp 3 tuần trước. Tuy nhiên những bước đi này đã không thể giúp khôi phục niềm tin từ giới đầu tư.
Thất vọng lên tới đỉnh điểm khi giá cổ phiếu của Glencore mất gần 30% chỉ trong ngày giao dịch 28/9, xuống mức thấp chưa từng có kể từ đợt IPO năm 2011, cuốn bay 5,33 tỷ USD giá trị vốn hóa của công ty này.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy