Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tăng vốn gần 21.000 tỷ
17/09/2014 10:10:22
ANTT.VN – Tổng mức đầu tư này được cho là khó tiết giảm, suất đầu tư của dự án tăng lên 429 tỷ đồng, tương đương 20 triệu USD/km, xếp vào loại cao nhất trong số các dự án từng được triển khai từ trước đến nay.

Tin liên quan

Vidifi (Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam) vừa chính thức đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) thẩm định mức đầu tư cập nhật năm 2014 Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Trước đó không lâu công ty này đã trình Chính phủ về phương án tài chính Dự án mới do thay đổi tổng mức đầu tư.

Dự án xây dựng 105,8 km cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau hơn 5 năm thi công đã không dừng lại ở con số 24.566 tỷ đồng được nhà đầu tư này phê duyệt vào năm 2008.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ( ảnh: internet)

Tổng mức đầu tư Dự án được Vidifi đề xuất với Bộ GTVT mới đây nhất sau khi được Viện Kinh tế (Bộ xây dựng) thẩm định là 45.522,1 tỷ đồng (tăng gần 21.000 tỷ) , có 3 khoản chi phí nặng nhất, cụ thể, xây dựng: 29.025 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian xây dựng: 7.909 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng: 3.700 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này được cho là khó tiết giảm, suất đầu tư của Dự án tăng lên 429 tỷ đồng, tương đương 20 triệu USD/km, xếp vào loại cao nhất trong số các dự án từng được triển khai từ trước đến nay.

Lý giải điều này Vidifi cho biết tổng mức đầu tư của dự án lập vào năm 2007, được duyệt vào tháng 1 năm 2008 đến nay đã lạc hậu  về cả giá và khối lượng thi công thực tế.

Theo đó, vào tháng 12/2013, do thay đổi về mặt thiết kế cơ sở nên khối lượng một số hạng mục chính của dự án tăng lên như: Công lắp nền, xử lý nền đất yếu, nút giao, trắc dọc…, một lý do nữa do lạm phát nên giá một số nguyên vật liệu đầu vào quan trọng phục vụ công trình có nhiều biến động đáng kể như giá xi măng tăng 49%, dầu diezen tăng 67%, giá nhựa đường tăng 113%, điều này khiến các hợp đồng xây lắp buộc phải điều chỉnh.

Bất lực trong việc kiểm soát tổng mức đầu tư, công ty này cũng không đảm bảo mục tiêu xây dựng giới hạn trong 55 tháng, nếu về đích vào năm 2015 thì mất tới 88 tháng, tăng lên 45 tháng.

Một chuyên gia cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến dự án bị đội vốn, dù có điều chỉnh mức đầu tư thì việc không kiểm soát được chi phí và thời gian thi công thì vẫn thấy công tác quản lý của Vidifi có nhiều bất ổn.

Quyết định số 1621/QĐ – TTg của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Vidifi – công ty cổ phần do Ngân hàng Phát triển Việt Nam giữ vai trò chi phối làm chủ đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT, bên cạnh nguồn vốn tự có khoảng 5.000 tỷ đồng, công ty này được Thủ tướng cho phép vay vốn nước ngoài và vốn tín dụng trong nước để đầu tư.

Nhà đầu tư này đã được cấp một số quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và thu phí QL5 và chính tuyến đường cao tốc để hoàn vốn.

Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, VDB đã cho Vidifi vay 21.566 tỷ đồng trên cơ sở tổng mức đầu tư năm 2008.

Với BDV, đến ngày 31/12/2013, tổn dư nợ đối với Vidifi bằng đồng nội tệ và ngoại tệ là 13.304 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% nguồn vốn của tổ chức tài chính này, điều đáng nói, các khoản huy động trong nước chỉ khoảng từ 2- 3 năm, trong khi đó dự án cần tối thiểu 30 năm để hoàn vốn và sẽ vẫn còn tăng nếu tổng mức đầu tư phải điều chỉnh.

Bộ Tài chính đánh giá, nếu tăng lên hơn 45.500 tỷ tổng mức đầu tư, khi mà không thể đánh giá chính xác nguồn thu của dự án ngoài nguồn thu phí QL5 cũ thì tính khả thi của dự án này rất thấp.

Hiện tại, Vidifi đang phải đối mặt với hai rủi ro lớn liên quan đến vấn đề tài chính của dự án, đó là, thứ nhất nguy cơ không đủ nguồn vốn để đầu tư hoàn thành công trình vì hiện nhà đầu tư vẫn chưa thể chắc chắn về khả năng nguồn huy động bổ sung cho các khoản phát sinh khoảng gần 1 tỷ USD, nếu việc huy động vốn không kịp thời thì việc thi công sẽ kéo dài và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Thứ hai, khả năng hoàn trả được các khoản vay khi công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác.

Được biết, Vidifi đã đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan 8 nhóm giải pháp để đảm bảo tính khả thi của dự án, việc cơ cấu một số khoản vay thành vốn hỗ trợ của nhà nước để chuyển từ hình thức BOT sang PPP. Việc này chứng tỏ Vidifi đang dồn cấp có thẩm quyền vào tình thế buộc phải chấp thuận để có thể cưu dự án về cả tính khả thi và khả năng hoàn thành công trình.

Kiều Chinh (tổng hợp)
 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến