Tin liên quan
Thầy thuốc ưu tú, doanh nhân Nguyễn Hữu Khai
Từ tỉ phú trở thành phạm nhân
Ông Nguyễn Hữu Khai xuất thân từ một gia đình Bắc Bộ ở huyện Mỹ Đức, Hà Tây (bây giờ là Hà Nội). Xuất ngũ, ông thi vào Kiến trúc, song vì muốn chữa bệnh cho em gái, ông bỏ học sang Trung Quốc học ngành Đông y và gắn bó đời mình với sự nghiệp y học cổ truyền từ năm 1979 đến nay.
Còn nhớ những năm đầu thế kỷ là thời điểm cực thịnh của Bảo Long với những sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị, trị các bệnh cơ xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu… không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn ra các thị trường khó tính như Nga, Đức… Bằng tài năng và kinh nghiệm, ông đã chữa khỏi nhiều bệnh nhân mà bệnh viện tây y trả về.
Lúc hưng thịnh nhất, Bảo Long từng sở hữu cơ sở khám chữa bệnh Bảo Long đường, Bảo Long y võ, trường THPT Võ thuật Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, Cty Dược liệu Sìn Hồ với tổng tài sản hàng nghìn tỉ đồng.
Năm 2011 ông Nguyễn Hữu Khai được Đài Truyền hình KenJa (Nhật Bản) bình chọn là 1 trong 10 doanh nhân nổi tiếng Việt Nam và 1 trong 500 doanh nhân nổi tiếng Châu Á. Ông cũng được Viện hàn lâm Khoa học Xê-chê-nốp (Liên bang Nga) phong tặng học vị tiến sĩ danh dự. Trong nước, ông được công nhận là thày thuốc ưu tú, được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Năm 2005, bộ phim truyền hình dài tập “Đường đời” lấy khuôn mẫu nhân vật từ ông Nguyễn Hữu Khai ra đời, đã nhận được nhiều sự chú ý của khán giả.
Tuy nhiên, cũng do tham vọng khép kín quy trình từ việc trồng dược liệu, sản xuất thuốc, khám chữa bệnh đến xây dựng trường học, bệnh viện Đông y, trong khi bản thân thiếu kinh nghiệm kinh doanh nên ông Khai đã sa vào khốn khó, Bảo Long đứng trên bờ vực phá sản.
Cuối cùng, thương vụ chuyển nhượng vốn và tài sản giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn do người “thuyền trưởng” Nguyễn Hữu Khai quyết định vội vàng hòng cứu Bảo Long đã khiến ông sa vào vòng lao lý hồi tháng 6/2013 với tội danh “sử dụng trái phép tài sản” và khiến ông ngồi tù 26 tháng. Vụ việc sau đó đã dấy lên nhiều tranh luận xung quanh vấn đề hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.
“Nếu Trời cho sống thêm 17 năm nữa, tôi dư sức làm nên mọi chuyện”
Ông Nguyễn Hữu Khai với công việc hàng ngày của một thầy thuốc Đông y
Sau 26 tháng ngồi tù, ngày 31/8/2015, ông Nguyễn Hữu Khai được đặc xá trở về. Đầu tháng 9, facebook cá nhân với 5.000 bạn của ông ngập tràn lời hỏi thăm chúc mừng ông vượt qua sóng gió.
Tôi đến thăm ông vào ngày 10/10, ngày ông mở lại Bảo Long đường ở Mỗ Lao, Hà Đông – đồng thời là ngày sinh nhật ông tròn 63 tuổi. Trong câu chuyện cởi mở, ông ngậm ngùi chia sẻ về những ngày bị bắt giam nhìn Bảo Long, thương hiệu cả đời mình gây dựng bị tan đàn xẻ nghé. Ông nói:
Tôi là người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Long nên khi tôi bị bắt giam thì Bảo Long như con rắn mất đầu. Trong 26 tháng bị giam giữ, tôi không có điều kiện giao tiếp ngoài xã hội, không thể chỉ đạo điều hành công việc của Bảo Long nên tất cả đều bị ly tán, tan nát hết.
Trong tù, cán bộ hỏi cung bảo tôi: “Bác Khai ạ, chúng tôi cũng coi như đây là tai nạn nghề nghiệp của bác thôi, nên bác cũng thông cảm, không phải tôi thì người khác cũng sẽ hỏi cung bác như tôi”. Họ coi đây là tai nạn nghề nghiệp của tôi chứ không đánh giá về đạo đức.
Sau khi ông bị bắt, con trai cả của ông – Phó tổng giám đốc Bảo Long, anh Nguyễn Hữu Trường - đã trả lời báo chí nói rằng ông là người không có khiếu kinh doanh, non về kinh nghiệm thương trường nên mới khiến Bảo Long lâm vào cảnh phá sản như vậy. Ông nghĩ sao về điều này? Lý do gì dẫn ông đến với kinh doanh?
Tôi là một thầy thuốc. Và tôi rất ngại những vấn đề liên quan đến tiền bạc, thậm chí có tiền trong túi tôi cứ muốn nhanh tiêu hết đi dể khỏi phải bận tâm. Người ta mất 1 tỉ có khi đã phát điên đây tôi mất vài trăm tỉ cứ như không. Nói thế để thấy là tôi không thích kinh doanh đâu.
Nhưng nếu như tôi ngồi đây, một ngày chỉ xem mạch kê đơn được 10 tiếng, cho 40 -50 bệnh nhân đã là quá tải rồi. Trong khi rất nhiều người bệnh cần đến mình, mà một số loại bệnh có tính chất giống nhau, thì tôi muốn làm sao để trong một thời gian ngắn phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn. Tôi chỉ cần ra phương thuốc, dạy cách bào chế là các học trò của mình có thể khám chữa bệnh cho nhiều người. Nghĩ vậy nên tôi mở thêm phòng khám, rồi bệnh viện, tự dưng thành kinh doanh thôi.
Cũng vì đầu tư ngoài ngành, bản thân không giỏi việc kinh doanh, đúng vào giai đoạn khó khăn và lại gặp đối thủ “chơi ác” quá nên mới thành ra thế này. Chuyện này tôi công tâm mà nói chứ chẳng phải giấu diếm gì. Nhưng thôi, quá khứ là quá khứ.
Xin hỏi ông 1 câu về chuyên môn: Ông đánh giá y học cổ truyền của Việt Nam hiện nay đang ở đâu và tiềm năng phát triển như thế nào?
Kể từ thập niên 50 của thế kỳ 20 trở về trước, khi Pháp chưa đô hộ nước ta thì đã làm gì có thuốc tây, thế nhưng ông bà ta vẫn sống khỏe mạnh vẫn làm ra những kỳ tích về xây dựng bảo vệ tổ quốc, chống giặc ngoại xâm, vẫn có nhiều công trình khoa học đồ sộ cùng với những vĩ nhân. Chứng tỏ y học thời bấy giờ đã có khả năng chăm sóc sức khỏe cho con người tồn tại và phát triển.
Khi xã hội phát triển, nền y học phương Tây được chú trọng, người ta quên đi y học cổ truyền, thậm chí có thời kỳ gần như muốn xóa sổ nó, kỳ thị cho là lạc hậu. Chính Nhà nước mình cũng không có chính sách đồng bộ để phát triển ngành Đông y. Hiện giờ gần như mỗi tỉnh đều có một trường đại học y khoa dạy y học hiện đại, trong khi cả nước chỉ có một Học viện y học cổ truyền. Đến chức danh cũng không được ổn định, dù trình độ đến đâu cũng chỉ được gọi là lương y.
Nếu tính từ mốc 1950 mà phát triển Đông y song hành với Tây y thì Đông y bây giờ đang đứng ở đâu? Có khi còn phát triển hơn nhiều lần Tây y. Chính các nước phát triển bây giờ khi lật lại quá khứ cũng hết sức ngỡ ngàng vì những thành tựu của Đông y.
Ông Nguyễn Hữu Khai và phòng mạch Bảo Long đường khai trương hôm 10/10
Định hướng phát triển sắp tới của Bảo Long là gì? Ông còn giữ ý định mở lại trường học, bệnh viện không?
Do quỹ thời gian còn lại hạn hẹp nên tôi không có ý định làm lại tất cả những công việc trước đây mà chỉ tập trung vào hai lĩnh vực trọng yếu là khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền. Tôi chưa nghĩ tới việc mở lại trường học và bệnh viện.
Bây giờ, thương trường còn nghiệt ngã hơn xưa, một người tự nhận là không biết kinh doanh như ông, và lại từng phá sản vì kinh doanh rồi vướng vào lao lý, ông có đúc rút được điều gì trong công cuộc kinh doanh sắp tới hay không?
Mỗi lẫn ngã là một lần bớt dại. Tôi đúc rút được nhiều kinh nghiệm sống và cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tôi có lợi thế là có nhiều con đẻ và con nuôi, các con tôi rất ngoan, có ý chí và được học hành bài bản. Cùng với nhiều năm kinh nghiệm thực tế, tôi tin rằng bố con chúng tôi sẽ thành công trong sự nghiệp y dược và hòa nhập được với thương trường.
Đã trải qua nhiều can qua, đến giờ điều ông tâm niệm nhất là gì?
Điều tôi tâm niệm nhất trong cuộc đời là phải rèn luyện và tích lũy cho mình một ý chí sắt đá và nghị lực vững vàng, đồng thời ăn ở cư xử nhân hậu với mọi người. Nhờ vậy khi bị rủi ro tới nghiệt ngã, tôi vẫn sống và được anh em bạn bè thân hữu cùng cộng đồng thương mến, chở che, đùm bọc.
Đến tuổi này, ông nghĩ giá trị cốt lõi của ông là gì?
Giá trị cốt lõi của tôi là kiến thức. Tôi là người rất ham học hỏi, tôi tích lũy kiến thức còn hơn tích lũy cơm gạo.
Nói thì người ta bảo là chủ quan chứ tôi thấy 63 tuổi tôi vẫn chưa già, bởi vì tôi còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Các cụ vẫn bảo “thầy già con hát trẻ”, thế nên tôi nghĩ sự nghiệp của tôi có thể bắt đầu lại từ bây giờ. Quá khứ tôi sẵn sàng vứt đi để làm lại. Nếu ông Trời cho tôi sống 17 năm nữa đến 80 tuổi, tôi dư sức làm nên mọi chuyện.
Điều ông hối tiếc nhất trong cuộc đời ông đến nay là gì?
Ai chả có cái để phải hối tiếc. Vấn đề là tiếc như thế nào, cách khắc phục ra sao chứ không phải ngồi đấy mà tiếc lăn tiếc lóc rồi chết ngất vì tiếc nuối. Tôi đã từng kiếm tiền như rác nhưng tôi không giữ được. Tôi mất vài trăm tỉ trong chốc lát cũng coi như không, là vì tôi nghĩ tiền có thể kiếm lại được.
Tôi tiếc nhất là không được đặt đúng chỗ, người ta vẫn coi trọng yếu tố Nhà nước hơn là những đối tượng hành nghề tư nhân. Nhưng cũng rất may là tôi đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu thầy thuôc ưu tú và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 – một điều hiếm có đối với người hành nghề tư nhân như tôi.
Người ta gọi ông là thầy thuốc, doanh nhân, nhà khoa học đồng thời là một người “vào tù ra tội”, ông nghĩ sao về điều này?
Lại còn “giang hồ phiêu bạt xuyên lục địa”, “lang băm”, vợ nọ con kia nữa chứ, phải không? (Cười). Con người ai mà hoàn thiện được. Đến Chúa Giê su có 13 tông đồ còn bị 1 tông đồ làm phản nữa là. Với tôi, tôi tự hào vì được khoảng 70 - 80% người ta yêu quý tôn trọng. Đem lên cân thì những cái tốt của tôi vẫn nhiều hơn.
Xin hỏi ông 1 câu hơi riêng tư: Đã trải qua 4 cuộc hôn nhân, người phụ nữ nào khiến ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất? Trong những khó khăn về sau này, người vợ hiện tại đã vượt qua ra sao?
Xin lỗi, hiện tại tôi không muốn chia sẻ chuyện riêng tư của mình.
Xin cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe, Bảo Long sớm lấy lại phong độ như xưa.
Hoàng Yến (thực hiện)
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy