Dòng sự kiện:
Dứt cơn bán ròng
13/07/2018 08:04:32
Sau 6 phiên bán ròng liên tục từ 3 đến 10/7, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên sàn HoSE với giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Tìm ngưỡng hỗ trợ

Đây cũng có thể xem là điểm sáng duy nhất trong phiên giảm rất sâu của thị trường chứng khoán. Chỉ trong 5 phiên giao dịch, đã có 2 lần VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 900 điểm. Nếu như phiên 5/7, chỉ số này chỉ giảm suýt soát xuống 899,4 điểm thì phiên 11/7 hôm qua, chỉ số này đã giảm xuống 893,16 điểm.

Thị trường kỳ vọng sẽ phục hồi trong ngày 12/7

Nhìn lại sau phiên 5/7, VN-Index đã bật tăng hơn 17 điểm để đóng cửa đạt gần 918 điểm vào ngày 6/7. Liệu diễn biến phiên 12/7 và những ngày tới có lặp lại tương tự hay không? Trước tiên, cần xác định phần lớn các nhận định thị trường suy giảm xuống dưới 900 điểm, thậm chí là 800-850 điểm đang có vẻ đúng. Ngưỡng 900 điểm thực chất cũng chỉ mang tính chất tâm lý hơn là có tính hỗ trợ kỹ thuật mạnh nên việc bị xâm phạm khá dễ dàng nhất là trong bối cảnh sự e dè vẫn đang bao trùm.

Dựa vào diễn biến trong phiên, thì vùng 880 điểm dường như có tác dụng hỗ trợ tốt hơn khi VN-Index đã có 3 lần giảm xuống vùng này trong 6 phiên gần nhất và có sự phục hồi khá tốt. Cho đến trước đợt khớp lệnh liên tục để xác định giá đóng cửa phiên 11/7, khi một loạt cổ phiếu ngân hàng như TCB, HDB, VPB… giảm sàn, có lẽ nhiều người đã mường tượng đến khả năng xuất hiện một phiên giảm 20-30 điểm.

Tuy nhiên, lực mua xuất hiện khá mạnh, đặc biệt là lệnh ATC đã phần nào hãm được đà giảm để chốt phiên VN-Index “chỉ” giảm gần 18 điểm (mức giảm trong phiên có lúc lên đến 25 điểm). Không quá khó để lý giải nguyên nhân tác động thiếu tích cực đến thị trường, đó là những lo ngại đến từ chiến tranh thương mại toàn cầu cũng như hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, xu hướng rút vốn tại các thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, việc các nhận định bi quan liên tục xuất hiện cũng có thể khiến nhà đầu tư lựa chọn phương án giữ tiền mặt thay vì mua và giữ cổ phiếu mà xu hướng vẫn chưa rõ ràng.

Còn nhiều bất ngờ

Thanh khoản thấp với 3 phiên liên tiếp giá trị giao dịch khớp lệnh tại HoSE đạt dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng/phiên chính là nguyên nhân quan trọng để các hoạt động bán tháo, đè giá, xả hàng rất dễ diễn ra. Lực mua yếu ớt đã khiến cho những người có xu hướng bán ra phải hành động một cách quyết liệt, qua đó lại khiến giá cổ phiếu càng lúc càng giảm.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố rất đáng phải lưu tâm và dựa vào đây để chuẩn bị cho những bất ngờ có thể xuất hiện. Đầu tiên là diễn biến của MSN, một trong những cổ phiếu vốn hoá lớn và có ảnh hưởng đến VN-Index. 3 phiên đầu tiên của tuần này, diễn biến giá của MSN tính trên giá đóng cửa thì gần như đi ngang, nhưng diễn biến trong phiên thì cực kỳ khắc nghiệt.

Chẳng hạn phiên 9/7, có những lúc MSN bị bán ra theo kiểu sắp giảm sàn đến nơi, nhưng đến khi đóng cửa cổ phiếu này lại tăng giá nhẹ lên 74.200 đồng/cổ phiếu. Giá trị giao dịch của MSN trong phiên này cũng chỉ đạt hơn 414.000 cổ phiếu và đó cũng là cơ hội để cuộc chiến cung-cầu dù yếu ớt nhưng lại có thể tạo ra những biến động rất mạnh.

Một thống kê mới đây cũng chỉ ra rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm giảm giá mạnh nhất trên thị trường với tốc độ giảm từ 30-40% chỉ trong vòng ba tháng. Việc giảm “gắt” và đồng loạt của cổ phiếu ngân hàng tạo ra cảm giác nhóm này rơi vào trạng thái quá bán. Tăng mạnh, rồi giảm sâu, nhưng giảm quá mạnh cũng có thể tạo ra độ nén cho những phiên phục hồi.

Thực tế cho thấy, có không ít cổ phiếu đã trở về mức định giá rẻ và cũng chỉ chờ cơ hội thị trường chung phục hồi để tăng mạnh nhưng gần như… bất lực. Diễn biến chưa thuận lợi của thị trường chung theo diễn biến thế giới đã khiến cho nhiều cổ phiếu tăng rồi lại phải giảm. Nếu VN-Index vẫn có thể giữ vững vùng 880-900 điểm và lại xuất hiện những phiên tăng mạnh sau một đợt giảm sâu thì kỳ vọng thị trường ít nhất tạo đáy cũng có thể trở thành hiện thực.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến