“Tàu 67” là cách gọi tắt cho loại tàu được đóng mới theo Nghị định số 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập chưa được tháo gỡ, dẫn tới công tác thu hồi vốn cho vay của các ngân hàng bị ảnh hưởng.
Nợ xấu ngày càng xấu
Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá là chính sách toàn diện nhất từ trước đến nay trong việc hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo đà phát triển đối với ngành thủy sản.
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, luỹ kế từ khi có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu.
Trong đó có 1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp; các ngân hàng cam kết cho vay hơn 11.700 tỷ đồng.
"Dư nợ cho vay theo Nghị định 67 đến cuối quý 2/2020 đạt 9.936 tỷ đồng; nợ xấu chiếm 38,83%, tương đương 3.858 tỷ đồng. Trong khi, nợ xấu hồi cuối năm 2019 chiếm 35,2%".
Báo cáo gửi đến Quốc hội của Chính phủ
Báo cáo của Chính phủ giải trình: Nợ xấu phát sinh do cả nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến như dân không trả được nợ vay và nguyên nhân chủ quan do chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp, khách hàng không mua bảo hiểm theo quy định, công tác xác nhận thiệt hại chậm trễ; quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm nhiều tranh chấp.
Ngân sách cấp bù lãi suất?
Để giải quyết vấn đề nợ xấu, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành. Điển hình như việc các ngân hàng đều phải thỏa thuận với các chủ tàu để bàn các phương án như cơ cấu nợ, ưu tiên chỉ thu nợ gốc...
Tại diễn biến mới nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi chủ tàu cá được phê duyệt theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) cũng đã được nêu cụ thể.
Theo đó, chủ tàu đã được phê duyệt dự án đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án hoặc đã hoàn thành đóng mới, nâng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản (chủ tàu cũ) được chuyển đổi cho chủ tàu khác có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác thủy sản đồng ý nhận chuyển nhượng dự án (chủ tàu mới).
Cơ chế chuyển đổi chủ tàu sẽ được thực hiện đối với trường hợp chủ tàu vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến không trả nợ được đúng hạn cho ngân hàng và không đủ năng lực khai thác hải sản có nhu cầu chuyển nhượng tàu; chủ tàu mới có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác hải sản đồng ý nhận chuyển nhượng dự án, chủ tàu mới được lựa chọn hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất khi nhận tàu và toàn bộ dư nợ vay từ chủ tàu cũ tại thời điểm bàn giao.
Đáng chú ý nhất, dự thảo Nghị định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn kiến nghị dùng Ngân sách Nhà nước cấp bù toàn bộ lãi vay của chủ tàu cũ chưa trả nợ được đến thời điểm bàn giao.
Cũng theo dự thảo, chủ tàu cũ phải trả nợ gốc quá hạn tính đến thời điểm bàn giao và lãi phát sinh của nợ gốc quá hạn. Chủ tàu mới nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm: Nợ gốc và lãi phát sinh tính từ thời điểm bàn giao theo hợp đồng tín dụng do chủ tàu cũ đã ký với ngân hàng.
Chủ tàu cũ và chủ tàu mới thỏa thuận, thống nhất về việc bàn giao tàu và khoản nợ vay, ngân hàng thương mại, chủ tàu cũ và chủ tàu mới ký thỏa thuận bàn giao nợ, trong đó nêu rõ dư nợ vay, số tiền lãi phát sinh (nếu có), thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị dùng Ngân sách Nhà nước cấp bù toàn bộ lãi vay của chủ tàu cũ chưa trả nợ được đến thời điểm bàn giao tàu cho chủ mới.
Chủ tàu mới và ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất do ngân hàng và chủ tàu mới thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất còn lại theo quy định (11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới) sau khi trừ đi thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất mà chủ tàu cũ đã thực hiện tại thời điểm bàn giao.
Chủ tàu mới nhận bàn giao khoản nợ vay và tài sản hình thành từ vốn vay từ chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ tàu. Chính sách chuyển đổi chủ tàu chỉ được thực hiện 1 lần/tàu. Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ vay của chủ tàu mới nhận bàn giao từ chủ tàu cũ (nếu có) được phân loại theo nhóm nợ của chủ tàu mới.
Tác giả: Đào Vũ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy