Dòng sự kiện:
Evergrande xem xét trả nợ nước ngoài bằng trái phiếu và vốn cổ phần
28/05/2022 07:15:10
Theo các nguồn thạo tin, một trong những đề xuất mà Evergrande dự kiến đưa ra là trả hết nợ (gốc và lãi) cho các chủ nợ nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu mới.

Các tòa nhà do Tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc Evergrande đang xem xét trả khoản nợ 19 tỷ USD cho các trái chủ nước ngoài thông qua hình thức trả góp bằng tiền mặt và vốn cổ phần ở hai trong số các công ty niêm yết tại Hong Kong.

Evergrande là tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, với tổng số nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, trong đó 22,7 tỷ USD trái phiếu quốc tế gần như đã mất khả năng thanh toán sau hai lần không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán đúng hạn cuối năm 2021.

Evergrande đang vật lộn để trả nợ cho nhà cung cấp, chủ nợ và hoàn thành các dự án. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn này cho biết sẽ công bố các đề xuất về tái cơ cấu nợ vào cuối tháng 7 tới.

Theo các nguồn thạo tin, một trong những đề xuất mà Evergrande dự kiến đưa ra là trả hết nợ (gốc và lãi) cho các chủ nợ nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu mới. Những trái phiếu này sau đó sẽ được hoàn trả bằng tiền mặt theo từng đợt trong thời hạn từ 7-10 năm.

Các chủ nợ nước ngoài cũng được phép hoán đổi một phần nợ thành cổ phần trong công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services và công ty sản xuất xe điện Energy Vehicle của Evergrande niêm yết ở Hong Kong. 20% nợ nước ngoài của Evergrande có thể sẽ được đổi thành cổ phần của hai công ty này. Tuy nhiên, các đề xuất tái cơ cấu nợ của Evergrande mới đang ở giai đoạn đầu và dự kiến còn thay đổi.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, đang “ôm” khoản nợ tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tập đoàn này đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã vào cuộc để giúp đỡ quá trình tái cơ cấu nợ và tiếp quản một số tài sản của công ty để xoa dịu những lo ngại của thị trường về nguy cơ phá sản không trật tự - điều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến một loạt các doanh nghiệp khác không chỉ tại Trung Quốc mà cả trên thế giới./.

Tác giả: Phan An

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến