EVN “đau đầu” với khoản lỗ khủng gần 17.000 tỷ đồng
14/01/2015 10:24:52
ANTT.VN - Theo kết quả tài chính sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2014, công ty mẹ và các đơn vị của EVN đều có lợi nhuận thấp và có tổng lỗ lũy kế lên tới 16.800 tỷ đồng.

Tin liên quan

Theo đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,2%.

Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận khiêm tốn là do một số yếu tố đầu vào tăng làm tăng chi phí sản xuất chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành, cụ thể như 2 đợt tăng giá than cho sản xuất điện, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, bổ sung phí môi trường rừng năm 2011, 2012…

Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra sáng nay (13/1), riêng trong năm 2014, EVN lỗ 8.000 tỷ đồng do giá mua than tăng, thuế tài nguyên nước tăng (từ 2% lên 4%), phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… đều tăng.

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN. 

Cộng dồn từ khoản lỗ 8.800 tỷ đồng chưa cân đối được giai đoạn 2009-2010, đến thời điểm này EVN vẫn lỗ lũy kế 16.800 tỷ đồng chưa thể cân đối.

EVN cũng đã thoái toàn bộ vốn tại 3 công ty cổ phần bất động sản và một phần vốn tại công ty tài chính điện lực với tổng số tiền hơn 690 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, EVN đặt mục tiêu đạt kế hoạch sản xuất và mua 156,9 tỷ kWh, tăng 10,3% so với năm 2014. Đồng thời, EVN xác định mục tiêu sản xuất và kinh doanh điện năng năng suất có lợi nhuận. Đầu tư xây dựng với tổng giá trị thực hiện khoảng 127.533 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần 96.463 tỷ đồng; trả nợ gốc và lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng.

Đề xuất bổ sung chi phí vào giá thành điện một lần nữa được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực nêu ra. Theo Phó tổng giám đốc Dương Quang Thành, trong năm 2014, các chi phí đầu vào như giá than, khí, thuế tài nguyên nước tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của EVN.

Do vậy, ngoài việc đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách và vốn ODA để hoàn thành các dự án cấp điện cho vùng sâu vùng xa, EVN kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung những chi phí nói trên vào giá điện.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến