Dòng sự kiện:
FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2023
19/04/2024 07:12:57
Trong năm vừa qua, FE Credit ghi nhận khoản lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp công ty tài chính này báo lỗ nghìn tỷ.

Công ty TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE Credit vừa có bản công bố tình hình tài chính định kỳ gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, công ty tài chính này báo lỗ sau thuế hơn 2.960 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ so với khoản lỗ ghi nhận trong năm 2022. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.

Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của FE Credit đạt hơn 10.275 tỷ đồng, giảm hơn 22% so với một năm trước đó. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ âm 16,47% xuống còn âm 25,22%.

Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành của FE Credit cũng giảm xuống 14,33% so với mức 16,16% tại thời điểm kết thúc năm 2023.

Hệ số nợ/vốn chủ của FE Credit tăng từ 4,78 lần lên mức 5,14 lần, tương ứng doanh nghiệp có tổng nợ phải trả khoảng 52.800 tỷ đồng, giảm 20% so với mức nợ 63.300 tỷ trong năm 2022.

Theo dữ liệu trên HNX, FE Credit có 5 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá khoảng 1.400 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều được phát hành năm 2022, kỳ hạn 2 năm và có lãi suất 6,8-7,5%/năm.

Lãnh đạo FE Credit nhận định lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã trải qua một năm khủng hoảng khi phải đối mặt liên tiếp với nhiều khó khăn như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng cao.

Người lao động thu nhập trung bình thấp - vốn là phân khúc khách hàng chính của các công ty cho vay tiêu dùng - mất việc hàng loạt do nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng hoặc giải thể.

Khó khăn chung với ngành, nhưng FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhóm còn lại do danh mục tập trung vào phân khúc cho vay rủi ro và chiến lược tăng trưởng nhanh từ giai đoạn trước.

Trên thực tế, trong bối cảnh hoạt động cho vay mới khó khăn và làn sóng "rủ nhau" bùng nợ, không chỉ riêng FE Credit mà nhiều công ty tài chính khác cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm mạnh, thậm chí lỗ đậm.

Đơn cử, Shinhan Finance cũng vừa công bố khoản lỗ kỷ lục kể từ khi bước chân vào thị trường cho vay tiêu dùng. Năm 2023, doanh nghiệp báo lỗ ròng 463 tỷ đồng, trong khi một năm trước đó vẫn lãi hơn 312 tỷ. Đáng chú ý, giai đoạn 2019-2022, công ty tài chính này thường xuyên nằm trong nhóm có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất với lợi nhuận bình quân khoảng 200-400 tỷ đồng/năm.

Hay Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 963 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn có lãi hơn 120 tỷ đồng.

Tác giả: Liên Phạm

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến