Dòng sự kiện:
Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm 2019?
25/02/2019 12:02:24
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chia rẽ về sự cần thiết để tăng lãi suất một lần nữa, nhưng không có đề nghị cắt giảm lãi suất nào được đưa ra vào năm 2019.

Biên bản cuộc họp chính sách diễn ra ngày 29 - 30/1 của Fed được công bố giữa tuần trước cho thấy, các quan chức Fed dành phần lớn cuộc thảo luận của họ cho những lo ngại về rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ, từ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc, châu Âu và tác động nhạt dần của chính sách kích thích tài khóa, đến các tranh chấp thương mại đang diễn ra cũng như các vấn đề phức tạp xuất phát từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Những quan ngại đó đã khiến một số quan chức “cắt giảm triển vọng của họ về tăng trưởng kinh tế”.

Trụ sở Fed tại Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Biên bản cũng nhấn mạnh vào quan điểm thận trọng hơn của các quan chức Fed. Theo đó, “gần như tất cả” các thành viên của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) đều đồng ý rằng, tốt nhất là nên tạm dừng các hoạt động thu hẹp bảng cân đối tài sản trong năm nay; thậm chí các nhà hoạch định chính sách muốn thông báo đó cần được đưa ra sớm trước khi kết thúc vào cuối năm. Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton LLP, cho biết hiện cô đang kỳ vọng Fed sẽ đưa ra thông báo đó vào tháng 3.

Fed đã mở rộng đáng kể bảng cân đối tài sản của mình như một biện pháp khẩn cấp để ổn định thị trường nợ và kích thích nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên danh mục đầu tư của Fed hiện đã giảm xuống còn khoảng 4 nghìn tỷ USD từ mức cao nhất 4,5 nghìn tỷ USD trong năm 2015.

“Họ sẽ có một bảng cân đối khổng lồ vĩnh viễn”, Ward McCarthy, chuyên gia kinh tế tài chính tại Jefferies LLC nói. “Họ luôn nói rằng nó sẽ lớn hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng, nhưng những bình luận trước đó cho rằng nó sẽ nhỏ hơn đáng kể”.

Thông tin này Fed sẽ tạm dừng thu hẹp bảng tài sản được các nhà đầu tư nhiệt liệt hưởng ứng vì việc làm này đang làm tổn thương nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư băn khoăn là cách thức Fed sẽ tiến hành để chấm dứt việc thu hẹp bảng tài sản. Liệu Fed có đột ngột dừng việc thu hẹp, hiện quy mô ở mức cao nhất là 50 tỷ USD mỗi tháng, hay sẽ sử dụng chiến lược giảm dần dần mức trần bán ra - hiện là 30 tỷ USD đối với trái phiếu Kho bạc và 20 tỷ USD đối với chứng khoán thế chấp. Điều băn khoăn nữa là danh mục đầu tư cuối cùng của Fed có bao gồm trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp không.

Thế nhưng, điều mà các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng nhất chính là những thông tin liên quan đến lãi suất khi mà một số nhà đầu tư nghĩ rằng động thái tiếp theo của Fed về lãi suất là có thể sẽ cắt giảm. Trong khi đó, Biên bản cuộc họp cho thấy, các quan chức Fed đã chia rẽ về sự cần thiết để tăng lãi suất một lần nữa, nhưng không có đề nghị cắt giảm lãi suất nào được đưa ra.

Cụ thể, một số nhà hoạch định chính sách cho rằng nếu nền kinh tế vẫn phát triển như dự kiến, việc tiếp tục tăng phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang vào cuối năm nay là hoàn toàn phù hợp. Thế nhưng, một số quan chức khác lại lập luận rằng, “việc tăng lãi suất chỉ có thể được chứng minh là cần thiết nếu lạm phát thực tế cao hơn so với triển vọng cơ bản của họ”.

“Các cuộc tranh luận vẫn tập trung vào việc có nên tiếp tục thắt chặt hay không, nhưng không nên cắt giảm”, Lou Crandall - chuyên gia kinh tế trưởng của Cightson ICAP LLC nói. “Nguy cơ nghiêng về hướng thắt chặt hơn”.

Điều đó đã khiến một số nhà kinh tế nghĩ rằng Biên bản cuộc họp không hoàn toàn ôn hòa như thông báo chính sách được phát đi ngày 30/1 mà trong đó Fed đã bỏ một tham chiếu chính sách đã tồn tại từ lâu trong tuyên bố của mình là “tiếp tục tăng dần lãi suất” và thay vào đó là một lời hứa kiên nhẫn trong việc quyết định thời gian và quy mô điều chỉnh trong tương lai.

Thậm chí khi được hỏi liệu thuật ngữ “điều chỉnh” có phải là tín hiệu cho thấy động thái tiếp theo của Fed có thể là cắt giảm lãi suất hay không, Chủ tịch Jerome Powell nói với các phóng viên sau cuộc họp chính sách tháng 1 rằng, các nhà hoạch định chính sách không nghiêng mạnh về hướng nào.

“Biên bản gợi ý rằng, Ủy ban có lẽ vẫn còn thiên vị một cách khiêm tốn đối với động thái tiếp theo là thắt chặt, trong khi tuyên bố cho thấy sự trung lập nhiều hơn”, Michael Michaeloli - nhà kinh tế trưởng của Hoa Kỳ tại JPMorgan Chase & Co., đã viết trong một ghi chú cho khách hàng.

Đó cũng là quan điểm của Michael Gapen – Nhà kinh tế trưởng về Mỹ của Barclays Plc: “Biên bản cuộc họp, theo quan điểm của chúng tôi, cho thấy rằng Ủy ban vẫn giữ một số thiên vị tăng lãi suất trong lộ trình chính sách của mình”.

Giá cả hợp đồng tương lai của quỹ Fed cũng cho thấy chỉ có một cơ hội rất nhỏ rằng động thái tiếp theo của Fed sẽ là cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã (Xinhua) đưa tin, các chuyên gia dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào 6 tháng cuối năm 2019 vì áp lực chính trị và biến động tài chính.

Tại Diễn đàn Triển vọng 2019 (2019 Outlook Forum), chuyên gia kinh tế trưởng Kevin Chen của hãng Horizon Financial cho rằng, sẽ phải mất vài quý nữa để thị trường ổn định lại và FED có thể tăng lãi suất vào nửa sau của năm nay.

Ông Kevin Chen phân tích: Lãi suất liên bang tại Mỹ đang khá thấp, và việc FED liên tục tăng lãi suất là để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo một chuyên gia khác đến từ Quỹ quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock, FED sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần trong năm 2019. Mặc dù cơ quan này đã liên tục nâng lãi suất trong thời gian gần đây nhưng con số hiện nay vẫn thấp.

Tuy nhiên, ông Liu Zhidan, Giám đốc bộ phận trái phiếu tại chi nhánh New York của Ngân hàng Trung Quốc, nhận định, việc tăng lãi suất quá nhanh sẽ kìm hãm đáng kể đà tăng trưởng kinh tế, làm giảm kỳ vọng về kinh tế vĩ mô cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của khối doanh nghiệp.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến