Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ngày 7/4, các Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí lùi thời hạn thanh toán lãi suất nợ công với các quốc gia nghèo nhất thế giới, vốn có nguy cơ tụt lại phía sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày, các bộ trưởng G20 cam kết tiếp tục thúc đẩy nỗ lực hỗ trợ các quốc gia dễ bị tác động.
Thông báo có đoạn nêu rõ các bên nhất trí tiếp tục gia hạn chương trình giãn nợ cho các nước nghèo đến tháng 12.
Chương trình này được áp dụng hồi tháng 4/2020 và gia hạn lần đầu vào tháng 10/2020, đến hết ngày 30/6 tới.
Theo các bộ trưởng G20, đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng, tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo huy động thêm các nguồn lực để tập trung ứng phó với các thách thức của cuộc khủng hoảng và khi thích hợp, sẽ chuyển sang một cách tiếp cận có tổ chức hơn để tháo gỡ những vấn đề về nợ công.
Bên cạnh đó, G20 cũng ủng hộ kế hoạch của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng các mức dự trữ để giúp đỡ các quốc gia nghèo và cam kết đạt thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu trước giữa năm 2021.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass hoan nghênh kết quả của cuộc họp trên.
Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các quốc gia G20 làm rõ hơn về kế hoạch hành động để hỗ trợ thực hiện chương trình giãn nợ như công bố các điều khoản của các hợp đồng tài chính và khuyến khích các chủ nợ tư nhân tham gia chương trình này.
Tới nay, chương trình giãn nợ cho các nước nghèo bị cho là chưa phát huy hiệu quả đáng kể. Các số liệu chính thức cho thấy mới chỉ có 46 (trên tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện) đề nghị và được chấp thuận hoãn trả khoản nợ tổng trị giá khoảng 5,7 tỷ USD.
Cùng ngày, Mexico và Argentina cũng kêu gọi các chủ nợ quốc tế giãn nợ cho các quốc gia trong nhóm thu nhập trung bình, nơi có nhiều người dân đang bị đẩy vào tình trạng cực nghèo do tác động của đại dịch COVID-19.
Trong tuyên bố chung, Mexico và Argentina- 2 thành viên của G20, cho rằng các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình đang bị lãng quên dù đây là nhóm chiếm tới 75% dân số thế giới và 62% trong số này đang sống ở mức nghèo khó.
Các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình cũng được tiếp cận các thị trường tài chính nhưng lại không được hưởng các khoản vay lãi suất thấp.
Mexico và Argentina kêu gọi đưa các quốc gia thu nhập trung bình vào nhóm được hưởng lợi từ kế hoạch hỗ trợ đặc biệt có tổng trị giá 650 tỷ USD của IMF.
Hai nước này cũng đề nghị tạo một quỹ quốc tế hỗ trợ tái cấu trúc nợ cho các quốc gia thu nhập trung bình, giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế và tài chính trở thành khủng hoảng nợ trong trung hạn.
Tuyên bố dẫn ước tính của WB chỉ ra đại dịch COVID-19 khiến số người cực nghèo trên thế giới tăng thêm khoảng 120 triệu người trong năm 2020, hầu hết ở các quốc gia thu nhập trung bình./.
Tác giả: Lê Ánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy