Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco - UpCOM: TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn 2.172 tỷ đồng. Biên lãi gộp khoảng 6%, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận gộp của công ty âm 17 tỷ đồng.
Song, chi phí tài chính từ mức âm 86 tỷ đồng tăng lên 44 tỷ đồng, trong đó lãi vay tăng 45% lên 42 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần, khoảng 96 tỷ đồng. Kết quả, Tisco lỗ 17 tỷ đồng trong quý IV/2022 trong khi cùng kỳ lãi 9 tỷ đồng. Kết quả ảm đạm này được đặt trong bối cảnh ngành thép đã qua thời kỳ bùng nổ và hứng chịu cảnh thừa cung, cầu giảm.
Tính chung cả năm 2022, công ty ghi nhận 11.697 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 9 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi sau thuế 122 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty lên kế hoạch 20.105 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, doanh nghiệp thép này chỉ hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu, 7% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tisco ở mức 10.184 tỷ đồng. Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng giảm 59% so với đầu năm còn 105 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 23% so với đầu năm lên 1.760 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu.
Trong đó, khoản mục chiếm tỉ trọng lớn nhất trên bảng cân đối kế toán là tài sản dở dang dài hạn, khoảng 6.275 tỷ đồng. Theo thuyết minh, 6.268 tỷ đồng đang nằm ở Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II. Trong đó, lãi vay vốn hoá là 3.019 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, hãng thép này có nợ ngắn hạn rất cao. Nợ phải trả ngắn hạn lên tới 5.821 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn hơn 2.404 tỷ đồng, dẫn tới vốn lưu động âm hơn 3.400 tỷ đồng.
Công ty vẫn đang sử dụng tỉ lệ đòn bẩy ở mức cao với tổng nợ đi vay là 4.602 tỷ đồng (trong đó, vay ngắn hạn 2.899 tỷ đồng còn vay dài hạn 1.703 tỷ đồng), chiếm 45% tổng nguồn vốn và gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu (1.954 tỷ đồng).
Nhận định ngành thép năm 2023, SSI Research cho rằng, lợi nhuận của các công ty có thể phục hồi từ năm 2022 nhưng vẫn còn rủi ro cao. Giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023.
Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60 - 75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỉ suất lợi nhuận của các công ty trong năm tới.
Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỉ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy