Dòng sự kiện:
Giá thép lao dốc, Tisco báo lỗ 25,06 tỷ đồng trong quý III/2022
18/10/2022 10:43:18
Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS – sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu giảm 15,5% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 25,06 tỷ đồng.

Trong quý III/2022, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 2.604,55 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 25,06 tỷ đồng, giảm 34,91 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lãi 9,85 tỷ đồng). Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 6% về chỉ còn 1,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 75,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 139,19 tỷ đồng về 44,65 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 45%, tương ứng giảm 31,27 tỷ đồng về 38,16 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 52,9%, tương ứng giảm 52,94 tỷ đồng về 47,07 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận 14,81 tỷ đồng, tăng 16,79 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lỗ 1,98 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 40,58 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 14,4 tỷ đồng, tức giảm tới 54,98 tỷ đồng.

Như vậy, bằng việc ghi nhận lợi nhuận khác đột biến, Tisco đã ghi nhận giảm lỗ trong quý III.

Tisco cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh trong quý III do sản lượng tiêu thụ giảm 21.895 tấn, tương ứng giảm 11,4% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng lưu ý là giá bán giảm mạnh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 9.525,08 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 7,9 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Tisco đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ; song lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm mạnh 42%. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 22,43 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành được 24,9% kế hoạch năm.

Dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ năm 2016 tới nay

Không những lợi nhuận lao dốc, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính đã ghi nhận âm tới 171,76 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 608,16 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 21,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 37,2 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2016 tới nay, Công ty chỉ ghi nhận âm dòng tiền một năm duy nhất là năm 2018 với giá trị âm 56,02 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022 với dòng tiền kinh doanh âm 171,76 tỷ đồng, đây là giá trị âm kỷ lục từ năm 2016 tới nay.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Tisco tăng 1,8% so với đầu năm lên 10.513 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 6.184,1 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.115,5 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.259,1 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong đó, mặc dù giá thép từ đầu năm tới nay liên tục suy giảm nhưng Tisco lại cho thấy dấu hiệu gia tăng tích trữ tồn kho trong môi trường giá tăng. Cụ thể, tồn kho đã tăng 47,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 680,2 tỷ đồng lên 2.115,5 tỷ đồng.

Cơ cấu tồn kho của Tisco (Nguồn: BCTC).

Công ty có thuyết minh tồn kho chủ yếu 1.214,9 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 731,1 tỷ đồng thành phẩm; 159,5 tỷ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và các tồn kho khác. Điểm đáng lưu ý, mặc dù giá thép lao dốc, Công ty tăng dự trữ tồn kho nhưng việc dự phòng giảm giá tồn kho không biến động đáng kể. Trong đó, tính tới 30/9/2022, Công ty chỉ mới trích lập khoảng 3,98 tỷ đồng so với đầu năm tích lập tới 7,68 tỷ đồng.

Chính vì việc tăng tích trữ tồn kho trong 9 tháng đầu năm, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục từ năm 2016 tới nay.

Ngoài ra, tính tới 30/9/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 42,6 tỷ đồng lên 4.365 tỷ đồng và chiếm 41,5% tổng nguồn vốn.

Tính tới 30/9/2022, cơ cấu cổ đông của Tisco gồm Tổng Công ty Thép Việt Nam sở hữu 65% vốn điều lệ; Công ty Thái Hưng sở hữu 20% vốn điều lệ; 14,99% thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ; và còn lại 0,01% là cổ phiếu quỹ.

Kiểm toán nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của Tisco

Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022, kiểm toán đã đưa ra hai vấn đề ngoại trừ:

Trong đó, vấn đề đầu tiên là dự án mở rộng Gang thép giai đoạn hai được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án kéo dài hơn với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án. Do vậy, kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này đến các khoản mục như trả trước cho người bán dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, phải trả cho nhà cung cấp, chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án …

Thứ hai, Công ty đã trích lập dự phòng liên quan đến chênh lệch tỷ giá tương ứng với mức 50% số lũy kế chênh lệch tỷ giá của Dự án được phản ánh lũy kế riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán tới 31/12/2020. Tuy nhiên, việc ghi nhận này không có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nếu Công ty thực hiện ghi nhận theo công văn 15172/BTC-TCDN ngày 26/10/2015 của Bộ Tài Chính thì số liệu so sánh 6 tháng đầu năm 2021 sẽ có thay đổi khi chi phí tài chính giảm 75,4 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng 10,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 64,81 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2022, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 3.137,86 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề khác, kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tisco.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/10, cổ phiếu TIS giảm 200 đồng về 6.000 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Duy Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến