Dòng sự kiện:
Gạo ‘ngâm’ cả tháng tại cảng, doanh nghiệp mất tiền tỷ kho bãi
23/04/2020 09:45:45
Hơn 300.000 tấn gạo của các doanh nghiệp vẫn đang bị ách tắc tại các cảng chưa thể xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đề xuất được tháo gỡ vướng mắc về thủ tục xuất khẩu.

Ngày 22/4, Bộ Công thương đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL khi một lượng lớn gạo của các doanh nghiệp đang "bất động" tại cảng chưa thể xuất khẩu.

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo ĐBSCL

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nhưng nông dân ĐBSCL vẫn trúng mùa. Vụ Đông- Xuân năm nay năng suất lúa không giảm, nguồn cung tốt, sản lượng dồi dào đủ đảm bảo tốt về an ninh lương thực. 

Song, vấn đề vướng mắc về cơ chế đang làm cho các DN "sống dở chết dở" khi nhiều DN kêu bỗng dưng bị mất tờ khai hải quan một cách đáng ngờ. Theo phản ánh của Tienphong.vn, Giám đốc chi nhánh Giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) nói: ngày 24/3, DN này đã khai báo hải quan thành công cho 9.700 tấn gạo tại cảng Mỹ Thới (An Giang), chờ lên tàu. Tuy nhiên, vì lệnh cấm xuất khẩu nên gạo phải nằm tại cảng.

Đến ngày 11/4, sau khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu, DN kiểm tra thông tin hàng hóa trên tờ khai thì phát hiện bị mất toàn bộ trên hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các lô gạo này của Bidifood không được thông quan.

Ước tính sơ bộ đến nay DN thiệt hại 6 tỷ đồng (khoảng 200 triệu đồng/ngày chi trả cho tiền kho bãi tại cảng. Chưa hết, công ty này còn bị đối tác là chủ tàu chở gạo phạt 200.000 USD, cộng thêm 9.700 tấn gạo trên sà lan đợi lên tàu, cộng thêm lượng gạo tồn tại cảng có thể đẩy DN này đến bở vực phá sản.

Một sự việc cũng khiến các DN bức xúc đó là việc hải quan cho mở tờ khai lúc 0h, ngày 11/4 vừa qua khiến DN bị động, không mở tờ khai kịp thì hết hạn ngạch. Nhiều DN chịu chung cảnh gạo "ngâm" ở cảng cả tháng trời vì vướng mắc trong thủ tục xuất khẩu.

Qua thống kê, có khoảng 300.000 tấn gạo xuất khẩu vẫn đang còn ách tắc ở cảng do trục trặc về thủ tục, do đó nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính hỗ trợ tháo gỡ khó khăn này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, hệ thống khai tờ khai xuất khẩu hoàn toàn tự động, cơ quan hải quan mở thời điểm 0h là đúng theo các quy định. Trường hợp DN bị mất dữ liệu tờ khai hải quan, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các bộ phận công nghệ thông tin kiểm tra. Hải quan sẽ báo cáo lại với Bộ Công Thương để có hướng giải quyết.

Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tiếp thu các kiến nghị, đề nghị của các địa phương và DN xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương cam kết sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24/3, sau đó đến các trường hợp đã mở tờ khai nhưng bị thất lạc, lượng hàng tồn trong kho của DN. 

Chiều 22/4 cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cho phép tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng số gạo tồn kho tại các DN tính đến ngày 18/4 là 1,9 triệu tấn, số hợp đồng ký trước đó là 1,7 triệu tấn, giao hàng đến tháng 6.

Nếu xuất khẩu xong những hợp đồng này thì lượng gạo tồn kho là 200.000 tấn, chưa tính lượng hàng sắp thu hoạch vào tháng 6 và lượng gạo của các DN ngoài hiệp hội.

Đại diện hiệp hội đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu gạo và nâng hạn mức xuất khẩu lên thêm 200.000 tấn, thay vì 100.000 tấn như hiện nay.

Thu Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến