Dòng sự kiện:
GDP 6 tháng tăng cao, những nghi ngờ về sự bất thường
09/07/2021 07:22:54
Việc tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng tới 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 khiến không ít ý kiến ngạc nhiên. Liệu mức tăng trưởng này có bất thường?

Lý do khiến GDP tăng trưởng cao

Chia sẻ về những yếu tố góp phần làm tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), cho rằng: 6 tháng đầu năm, làn sóng Covid-19 lần thứ tư ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp - thủy sản 6 tháng đầu năm tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa và sản lượng tăng. Thịt lợn hơi xuất chuồng tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, đạt 11,57 tỷ USD, tăng 15,7%. Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4 tỷ USD và tăng 12,5%. Rau quả các loại đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 17,7%... Như vậy, khu vực nông nghiệp thuỷ sản năm nay ở phía cung có mức tăng trưởng khá so với năm trước.


Nhiều ngành sản xuất vẫn có mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lương Bằng

Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do tốc độ sản xuất phục hồi. Đặc biệt khu vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư của các tập đoàn trên thế giới, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử,...

Bên cạnh đó, một số năng lực mới tăng bổ sung cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể là: Nhà máy sản xuất hàng may mặc công nghệ cao của Công ty Cổ phần May 40 ở Thái Bình với năng lực thiết kết 3 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Giầy Ngọc Tề ở Hưng Yên với 2 triệu sản phẩm/năm; Khu nhà máy may, sản xuất sợi tại Nam Định với 15.000 sản phẩm/ngày; Nhà máy may mặc xuất khẩu Apparel Tech Hà Tĩnh với 100.000 sản phẩm/năm; Công ty TNHH Techworld industries Việt Nam (sản xuất thiết bị điện chiếu sáng) với 958.000 sản phẩm/năm...

Về phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dù ảnh hưởng nhiều từ Covid-19 nhưng tính chung tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy, việc nói GDP tăng cao đời sống người dân đi xuống chưa hoàn toàn chính xác khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng. GDP theo phương pháp sử dụng thì tiêu dùng cuối cùng của dân cư cũng tăng 3,56%”, ông Lê Trung Hiếu nói.

Trả lời PV VietNamNet về việc GDP tăng như vậy có bất thường, ông Hiếu cho rằng: Phải nhìn số liệu của quý II năm 2020, thời điểm Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19 nên nền của năm 2020 rất thấp. Các ngành dịch vụ tăng trưởng âm, còn các ngành sản xuất tăng trưởng rất thấp. Trong quý II năm nay, chúng ta có thêm động lực tăng trưởng, đặc biệt ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nếu Bắc Ninh, Bắc Giang không bị dịch Covid-19 tác động thì mức tăng trưởng ở mức cao nữa.

Về việc DN phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động lên đến con số 70.400 nhưng GDP vẫn tăng cao, một chuyên gia giải thích rằng DN rời bỏ thị trường chủ yếu là trong ngành dịch vụ, quy mô nhỏ nên chưa tác động nhiều đến con số tăng trưởng GDP.

Nhưng, mức tăng GDP 5,64% như cách giải thích trên đã đủ để thuyết phục người dùng số liệu?

Còn băn khoăn

Thực tế, không phải bây giờ những số liệu thống kê GDP mới gây tranh cãi, sau mỗi lần công bố. Chia sẻ với PV, một nguyên lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố luôn đảm bảo khách quan, phản ánh sát thực bức tranh kinh tế vào thời điểm công bố và không chịu sức ép từ phía nào.


Thống kê chính xác góp phần đưa ra bức tranh đầy đủ phục vụ điều hành của Chính phủ.

Để xác định GDP 6 tháng năm 2021 có bất thường hay không, trước hết phải nắm rõ về cách tính GDP của Thống kê Việt Nam áp dụng.

Một chuyên gia thống kê cho hay: Phương pháp tính GDP của Việt Nam hoàn toàn đúng theo phương pháp và thông lệ quốc tế. Bởi các tổ chức quốc tế luôn luôn tìm hiểu phương pháp tính GDP được Việt Nam áp dụng như thế nào, nguồn thông tin ra sao, để họ yên tâm sử dụng số liệu của Cơ quan Thống kê Việt Nam. Họ cần phải so sánh với các nước, làm căn cứ cho vay, đánh giá vị thế kinh tế, nâng hạng thị trường đối với nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu GDP Việt Nam công bố hàng quý được tính theo hai phương pháp (Phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng) trong đó phương pháp sản xuất là phương pháp chính, GDP tính theo phương pháp sử dụng để nghiên cứu tổng cầu của nền kinh tế và dùng để kiểm tra tính chính xác của số liệu GDP theo phương pháp sản xuất.

Việc Việt Nam dùng phương pháp sản xuất là phương pháp chính và số liệu GDP công bố theo phương pháp này là bởi số liệu được tính theo ngành kinh tế, qua đó biết được điểm mạnh và điểm yếu, tồn tại của từng ngành kinh tế để Chính phủ có giải pháp chỉ đạo điều hành trong sản xuất nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. 

Điều lưu ý, việc tính GDP theo hai phương pháp độc lập, từ các nguồn thông tin độc lập, thì không bao giờ kết quả bằng nhau, tức không có nghĩa GDP tính phương pháp sản xuất tăng 6,8% thì GDP theo phương pháp sử dụng cũng phải bằng 6,8%. Kết quả tính GDP từ phương pháp sử dụng có thể thấp hơn hoặc cao hơn do có sai số từ hai nguồn thông tin khác nhau, nhưng mức độ sai số của hai phương pháp rất nhỏ, khoảng trên dưới 0,2%.

Ví dụ, số liệu đã công bố về tăng trưởng GDP (tính theo phương pháp sản xuất) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%. GDP 6 tháng đầu năm 2018 theo phương pháp sử dụng phản ánh: tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%, kết quả là xuất siêu hàng hoá và dịch vụ 2,5 tỷ USD. 

Theo phương pháp sản xuất, GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%. Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%, kết quả là xuất siêu hàng hoá và dịch vụ 1,1 tỷ USD. 

Về cơ cấu các yếu tố của GDP theo phương pháp sử dụng thì tiêu dùng cuối cùng chiếm từ 70-75% GDP, Tích luỹ tài sản chiếm khoảng 20-25% GDP, còn lại là đóng góp của xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Nếu xuất siêu hàng hoá và dịch vụ thì làm tăng GDP, khi nhập siêu làm giảm GDP. 

Số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 theo phương pháp sản xuất tăng 5,64%. Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%, kết quả là nhập siêu 9,2 tỷ USD.

So sánh những dữ liệu này là mấu chốt để trả lời câu hỏi GDP 6 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố có hợp lý hay không.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét số liệu GDP 6 tháng được công bố như sau: Căn cứ số liệu GDP theo tiêu dùng thậm chí sẽ không có tăng trưởng 5,64% vì so với cùng kỳ năm trước tiêu dùng thấp hơn, tích lũy tương đồng và lại nhập siêu.

Nhìn vào dãy số liệu năm 2018, 2019 có thể thấy, con số tiêu dùng cuối cùng thường tăng cao hơn con số tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất và số liệu như thế là hợp lý và đảm bảo tính chính xác giữa hai phương pháp tính GDP. 

Trở lại con số tăng trưởng của 6 tháng năm 2021, tăng trưởng GDP lên tới 5,64%, tích lũy chiếm tỷ trọng khoảng trên 20% GDP chỉ tăng 5,67%, tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng trên 70% GDP chỉ tăng có 3,56%, 6 tháng năm 2021 lại nhập siêu 9,2 tỷ USD. Cho nên, những thắc mắc về con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64% là có thể hiểu được. Tổng cục Thống kê nên nghiêm túc và trách nhiệm xem xét lại mức độ hợp lý của số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 để Chính phủ có bức tranh sát thực trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế. 

Theo quy định của Thống kê Liên hợp quốc, có 3 phương pháp tính tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Một là phương pháp sản xuất: Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm và thuế nhập khẩu. 

Hai là phương pháp sử dụng: Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng của 3 yếu tố: tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và nhà nước; tích lũy tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động và tài sản quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Ba là phương pháp thu nhập bằng tổng của các yếu tố: Thu nhập của người lao động từ sản xuất; Thuế sản xuất; khấu hao tài sản cố định dùng vào sản xuất; và thặng dư. Về lý thuyết, áp dụng 3 phương pháp sẽ cho cùng một kết quả, nhưng trong thực tế tính toán sẽ có sai số giữa 3 phương pháp vì nguồn thông tin khác nhau. 

Tác giả: Lương Bằng

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến