Dòng sự kiện:
GDP bình quân đầu người khó đạt 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020
28/10/2018 10:00:09
Mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020 là khó khả thi. Bởi trong 2 năm tới, GDP bình quân đầu người cần tăng khoảng 800 - 1.000 USD trong khi đó hiện nay mỗi năm chỉ tăng khoảng 150 USD.

Giải trình tại nghị trường chiều ngày 27/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, cơ bản chung là thuận lợi tuy nhiên vẫn còn một số điểm nghẽn, rủi ro với nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, nền kinh tế đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn, bao gồm chiền tranh thương mại, giá dầu, biến động tiền tệ, thách thức biến đổi khí hậu và khoảng cách phát triển.

Đơn cử như thực trạng của GDP bình quân đầu người. Hiện GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt từ 3.200 – 3.500 USD.

"Mỗi năm chúng ta chỉ tăng 150 USD, 2 năm còn lại như vậy cần tăng 800 – 1.000 USD. Điều này là rất khó. Nhưng nếu không đạt được, khoảng cách tụt hậu sẽ kéo xa hơn", Bộ trưởng nói.

Vị bộ trưởng cũng cho rằng hiện nay Việt Nam gặp khó trong bối cảnh chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ tự do, giá dầu diễn biến khó lường. Cùng với đó, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất có nhiều biến động. Thách thức biến đổi khí hậu, thiên tai cũng tác động đến Việt Nam.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng đề cập đến là việc đất nước tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Ông nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị tốt, nếu không chúng ta sẽ là người thua thiệt.

Bộ trưởng cho biết các kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô đã được xây dựng từ nay đến năm 2020 để nhận diện và có phương án đối phó kịp thời. Việt Nam theo đó một mặt cần khắc phục hạn chế của nền kinh tế, một mặt phải duy trì, củng cố vị thế đã đạt được.

Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng cần phải thực hiện nhanh hơn nữa vấn đề tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng… đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng nhanh và bền vững, tránh bị tụt lại phía sau.

Hiện nay, sau 3 năm tái cơ cấu, Bộ trưởng đánh giá có 2 kết quả lạc quan. Thứ nhất là nền kinh tế đã đi đúng hướng. Thứ hai là thu về được các chuyển biến nổi bật, đặc biệt là nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trường nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc triển khai còn chậm, chưa tạo được sự thay đổi rõ nét trong nền kinh tế.

"Trong thời gian tới, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, của toàn hệ thống chính trị. Chúng ta phải quyết liệt hơn", ông nhấn mạnh.

Về tái cơ cấu kinh tế, ông Dũng cho biết đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực.

Trả lời câu hỏi về việc số lượng doanh nghiệp giải thế lớn trong 9 tháng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay ngoài quy luật đào thải, điều này còn đến từ việc tháng 4 vừa qua Bộ KHĐT tổ chức ra soát hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa được ghi nhận trước đây để bổ sung vào danh sách.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cũng không loại trừ hiện tượng các doanh nghiệp trục lợi chính sách, thành lập nhưng không hoạt động, chỉ mua bán hóa đơn.

Theo ông, đến nay cả nước có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, trong 2 năm tới phải phát triển thêm 300.000 doanh nghiệp. Ông Dũng cho rằng cần phải triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa, thảo gỡ khó khăn ,giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật.

Việc chuyển đổi 2 triệu hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Vị Bộ trưởng cho biết đang đề nghị xây dựng chế độ kế toán riêng, xây dựng đại ký thuế, hóa đơn điện tử hỗ trợ các hộ kinh doanh này.

"Nếu cố gắng sẽ đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020", Bộ trưởng nhận định.

 Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến