Lý do giá đất ‘neo’ cao
Thị trường đất Mộc Châu (Sơn La) năm 2020 – 2021 tăng giá chóng mặt khiến những mảnh đất trồng chè trước chỉ vài trăm triệu đồng bỗng có giá vài tỷ. Nhiều nhà đầu tư kéo nhau về mua đất, có người đầu cơ để đó, có người đầu tư làm homestay nghỉ dưỡng.
Với nhiều thông tin về quy hoạch như: UBND tỉnh Sơn La sẽ mời đầu tư khu trung tâm du lịch sinh thái thị trấn Nông trường Mộc Châu 3.800 tỷ đồng; khu đô thị Đồi Chè Mộc Châu hơn 1.400 tỷ đồng; khu phố núi và biệt thự sinh thái Mộc Châu 1.500 tỷ đồng; khu biệt thự và sân golf du lịch Mộc Châu 2.500 tỷ đồng; khu dân cư lân cận trung tâm du lịch trọng điểm Mộc Châu 1.800 tỷ đồng… khiến giá đất trên địa bàn Mộc Châu ‘neo’ cao đến tận bây giờ.
Đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác có vài trăm mét thổ cư là loại đất được nhiều người tìm mua nhất tại Mộc Châu.
Dù thị trường bất động sản nói chung trầm lắng nhưng giá đất ở Mộc Châu vẫn giữ giá, giảm không đáng kể.
Đặc biệt, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình) chính thức được khởi công vào cuối tháng 2 vừa qua như tiếp tục phả hơi nóng vào thị trường nhà đất huyện Mộc Châu.
Theo khảo sát, đất trồng cây lâu năm, đất có bìa HNK (cây hàng năm khác) có vài trăm mét thổ cư được nhiều người tìm mua nhất. Những lô đất này được mua đi bán lại nhiều nên hiện có giá khá cao.
Mường Sang có thác Dải Yến, Đông Sang có Rừng Thông là hai xã đất đai khá sôi động. Tùy theo vị trí mà từng lô đất có giá khác nhau.
Đơn cử, mảnh đất diện tích 4.400m2 ở Mường Sang, cách đây 2 năm mua vào 2,1 tỷ đồng, bây giờ bán ra giá 3 triệu đồng/m2, tức là hơn 13 tỷ đồng. Nhưng cũng có mảnh đất diện tích 1.000m2, trong đó có 400m2 thổ cư giá bán là 1,6 tỷ đồng.
Chị Thanh Hoa, một môi giới bất động sản ở huyện Mộc Châu cho biết, ngay sau khi có động thái giảm lãi suất của ngân hàng, thị trường nhà đất ở Mộc Châu bắt đầu có khách tìm mua sau thời gian sốt nóng.
“Nếu so với thời điểm năm ngoái, khách Hà Nội lên Mộc Châu mua đất thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 20%”, chị Hoa đánh giá.
Đất quanh khu Rừng thông Bản Áng ở xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) có khí hậu khô ráo được nhà đầu tư tìm mua.
Theo môi giới này, khách tìm mua đất nhiều ở khu vực xã Đông Sang, Mường Sang. Đất HNK làm nghỉ dưỡng được chủ đất gửi bán giá 3-4 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm năm ngoái chỉ có giá 2 triệu đồng/m2.
Tùy từng vị trí, đất làm nghỉ dưỡng nếu mảnh nào còn của người dân bản địa, giá bán chỉ 1 triệu đồng/m2, nhưng những mảnh đã qua đầu tư giá bán tăng lên 4-5 triệu đồng/m2.
Theo chị Hoa, đất quanh khu Rừng thông Bản Áng vẫn đắt hơn nhiều khu khác. Chẳng hạn, có lô hơn 4.400m2, trong đó có 3.000m2 thổ cư, giá bán 25 tỷ đồng.
Lý do là khí hậu ở khu vực này tốt hơn khu vực Nông trường Mộc Châu khi luôn khô ráo, ít bị mù. Còn từ khu vực khách sạn Mường Thanh hắt lên thời tiết hay bị mù.
Chị Hoa cho hay, muốn làm homestay nghỉ dưỡng tốt nhất mua những mảnh đất có thổ cư. Phiêng Luông và Tân Lập là những khu vực có điểm nút giao cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu. Trong đó, nếu làm nghỉ dưỡng, đất khu vực xã Tân Lập là đẹp nhất, khi có khí hậu ôn hòa, thi thoảng có kéo mây mù đẹp như ở Đà Lạt.
Tại xã Tân Lập hiện còn nhiều mảnh đất của dân chưa qua đầu tư, nếu mảnh nào có thổ cư, giá khoảng 2,5 tỷ đồng/ha. Còn các khu vực khác 90% các mảnh đất đã qua đầu tư nên giá cao.
Có nên đầu tư đất Mộc Châu thời điểm này?
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ nhà đầu tư bất động sản NAC cho hay: Trong hai năm 2020 và 2021, đất ở Mộc Châu tăng rất mạnh, khoảng 100 - 120%; tức mỗi năm tăng khoảng 50 - 60%. Hiện giá đất ở Mộc Châu hiện đã giảm khoảng 2% nhưng chưa có nhiều giao dịch.
“Nếu xét về các vùng có khả năng làm du lịch, mức giá đất ở Mộc Châu vẫn hợp lý, vẫn có thể mua để đó, chờ cao tốc xong thì bán. Còn nếu mua để đầu tư làm homestay, farmstay nghỉ dưỡng thì mức giá đất hiện nay ở Mộc Châu lại khá cao. Năm 2018, 2019, các mô hình homestay nhỏ, do dân tự làm khá nhiều. Trong khi công suất khai thác của Mộc Châu trong 2-3 năm qua chưa tốt lắm, một phần do dịch bệnh. Nếu khai thác vận hành như hiện tại, một năm khai thác du lịch chỉ được khoảng 45%. Tính trên suất đầu tư như thế rất thiếu hiệu quả”, ông Duy phân tích.
Đánh giá về tác động của dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu vừa khởi công với thị trường nhà đất ở Mộc Châu, ông Duy cho hay, sẽ có tác động tích cực dù sẽ phải đợi thời gian triển khai khá dài.
Vì thế, không sử dụng đòn bẩy tài chính mới có thể đầu tư theo các dự án hạ tầng và đầu tư dạng này phải đầu tư dài hạn.
Tác giả: Nhóm Phóng viên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy