Dòng sự kiện:
Giá dầu lên đỉnh rồi dò đáy: Điều gì đang thực sự diễn ra?
24/11/2018 12:24:31
Những biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ toàn cầu năm 2018 nằm ngoài hầu hết các dự báo được đưa ra. Lo ngại nguồn cung tăng trong khi nhu cầu giảm là những yếu tố chính khiến giá dầu giảm mạnh.

Lo ngại cung dư thừa

Chỉ trong vài tháng, giá dầu thô đã nhanh chóng chạm mức đỉnh mới cao nhất trong 4 năm (vào đầu tháng 10/2018, với giá dầu thô Brent có thời điểm vượt mức 86 USD/thùng), tạo cơ sở cho một số dự báo giá dầu có thể tiếp tục tăng vọt và chạm mức 100 USD/thùng. Nhưng sau đó thì chỉ mất có vài tuần, giá dầu lại sụt giảm mạnh, có thời điểm xuống mức thấp 13 tháng, tức ghi nhận mức sụt giảm tới khoảng 30% so với mức đỉnh gần đây.

Permian Basin, vùng đá phiến sét West Texas - một trong những mỏ dầu quan trọng nhất thế giới

“Giá dầu đang giảm. Tuyệt vời! Nó giống như một đợt cắt giảm thuế lớn cho Mỹ và thế giới. Hãy thưởng ngoạn đi! Giá dầu (WTI) hiện chỉ 54 USD, mới không lâu trước đó là 82 USD. Cảm ơn Saudi Arabia, nhưng hãy xuống thấp hơn nữa!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những dòng tweet như vậy ngày 21/11 khi giá dầu chạm mức thấp nhất 13 tháng vào phiên giao dịch ngày 20/11. Nhưng rõ ràng, việc giá dầu sụt giảm không thể được giải thích chỉ bằng một vài dòng tweet ngắn gọn như thế.

Saudi Arabia là một trong những nhân tố quan trọng lý giải cho giá dầu giảm hiện nay nhưng chắc chắn đó không phải tất cả. Vào nửa đầu năm nay, Washington tuyên bố tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran vào tháng 11 này và cho biết sẽ nỗ lực làm việc với các nước nhập khẩu dầu thô từ Iran để có được nhiều quốc gia nhất có thể cam kết giảm lượng dầu nhập xuống mức 0 từ ngày 4/11. Lập trường cứng rắn này của Mỹ khiến giá dầu tăng lên đáng kể.

Dưới áp lực đó, Saudi Arabia đã tăng sản lượng lên mức cao nhất mọi thời đại. Điều này rất quan trọng vì Saudi Arabia đóng vai trò giống như “NHTW” về dầu mỏ. Saudi Arabia là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có khả năng nhất trong việc tăng sản lượng một cách đáng kể. Trong thời gian này, Nga và Mỹ cũng tăng tốc sản lượng.

Nhưng chính quyền của ông Trump đã gây sốc cho thị trường dầu mỏ hồi đầu tháng này bởi trái ngược với các tuyên bố mạnh mẽ trước đó, Mỹ đã đưa ra cách tiếp cận theo hướng nhẹ nhàng hơn đối với Iran.

Theo đó, Mỹ đã miễn trừ tạm thời cho một số nước được tiếp tục mua dầu thô từ Iran, trong đó có những “khách hàng” lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung dòng chảy dầu từ Iran tới các thị trường lớn sẽ tiếp tục và đặt thị trường dầu mỏ trước tiềm năng nguồn cung dư thừa (vì như đã phân tích ở trên, nguồn cung từ các nước khác trong thời gia qua đã tăng nhằm bù đắp cho khả năng Iran bị cấm vận xuất khẩu dầu về mức 0).

Đồng thời, điều này tạo ra áp lực cho OPEC trước khả năng có thể phải cắt giảm đáng kể sản lượng. Thị trường sẽ được biết quyết định cuối cùng của tổ chức này trong cuộc họp vào tháng tới tại Vienna.

Ca ngợi Saudi Arabia nhưng những dòng tweet của ông Trump đã bỏ qua Mỹ - vốn cũng có vai trò trung tâm trong đợt sụt giảm giá dầu mỏ hiện nay. Chính nhờ sự bùng nổ của dầu đá phiến, Hoa Kỳ gần đây đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1973. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng vọt, đạt mức hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và dự kiến còn tăng thêm trong năm tới.

Thực tế không một cường quốc dầu mỏ nào khác đã tăng sản lượng đến mức đó. Điều khiến các nhà giao dịch dầu mỏ lo ngại là thị trường toàn cầu có thể không cần đến lượng cung dầu đá phiến của Mỹ được tung ra lớn như vậy. Và đó cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm mạnh vừa qua. Theo số liệu được công bố ngày 21/11, mức dầu tồn kho của Mỹ đã tăng trong 9 tuần liên tiếp.

Trong khi nhu cầu có thể giảm

Giá dầu giảm không chỉ vì những lo ngại từ phía nguồn cung dư thừa mà còn từ khả năng nhu cầu suy giảm. Tăng trưởng kinh tế mạnh trong những quý vừa qua là yếu tố quan trong khiến nhu cầu dầu mỏ tại Mỹ rất mạnh mẽ. Tuy nhiên vào tuần trước, IEA đã đưa ra cảnh báo về nhu cầu "tương đối yếu" ở châu Âu và các nước châu Á phát triển, đồng thời chỉ ra sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ đã xuất hiện ở các nền kinh tế như Ấn Độ, Brazil hay Argentina do giá cao, đồng tiền nội tệ yếu và hoạt động kinh tế suy giảm.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng tăng trưởng kinh tế đưa ra vào tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng với hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ. GDP toàn cầu dự kiến cũng sẽ giảm từ mức 2,9% năm 2018 xuống còn 2,5% trong năm 2019. Hầu hết các dự báo khác đưa ra gần đây cũng điều chỉnh giảm dự báo với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới. Nhìn từ phía cầu, đây thực sự không phải là những tin tốt cho thị trường dầu mỏ - nguồn năng lượng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Trên TTCK, lo ngại tăng trưởng kinh tế suy giảm khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, bất kể đó là cổ phiếu của các hãng công nghệ, cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử hay dầu thô. Như khi chỉ số Dow Jones giảm 552 điểm phiên 20/11, thì giá dầu thô cũng giảm tới 7%. Dù cho rằng giá dầu giảm những ngày gần đây dường như đã vượt quá các nền tảng cơ bản nhưng chuyên gia Damien Courvalin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Goldman Sachs nhận định, giá dầu vẫn khó phục hồi cho đến khi OPEC hành động và có bằng chứng rõ ràng cho thấy nhu cầu tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, liệu giá dầu có giảm mạnh hơn nữa không cũng là một câu hỏi được đặt ra. Bởi một sự sụt giảm mạnh hơn nữa sẽ tạo ra một triển vọng u ám hơn về lợi nhuận của các nhà cung cấp dầu mỏ, trong đó có ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Sự sụt giảm vừa qua đã gây ra hàng chục vụ phá sản và xóa sổ nhiều việc làm trong ngành dầu mỏ của Mỹ ở các bang như Texas, North Dakota và Oklahoma. Nếu giá dầu tiếp tục giảm và khiến các nhà sản xuất trong nước chịu tổn thương, chưa hẳn chính quyền của Tổng thống Trump muốn điều này sẽ tiếp tục.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến