“Giải cứu” thép Gia Sàng khỏi chuỗi ngày dài sống ngắc ngoải
05/07/2016 15:59:12
ANTT.VN – Việc công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng sẵn sàng trở lại sau chuỗi ngày dài sống ngắc ngoải là tin vui cho gần 300 lao động cũ hiện chưa có việc làm của doanh nghiệp này.

Tin liên quan

Theo tin từ báo Xây dựng, để giải quyết thi hành án khoản nợ trên 38,8 tỷ đồng của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Chi cục Thi hành án Dân sự TP Thái Nguyên, Ban lãnh đạo Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đã nhiều lần thương thảo và thống nhất về việc giải quyết bằng cách thanh lý bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp này với số tiền khởi điểm là gần 56,8 tỷ đồng để trả nợ.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá được yêu cầu không tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất.

Đầu năm 2016, sau quá trình mời gọi nhà đầu tư, Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho biết, Công ty CP Thương mại Thái Hưng là doanh nghiệp duy nhất có thể đáp ứng đủ yêu cầu trên, cam kết sau khi mua được toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất sẽ không tháo dỡ mà tiếp tục đầu tư để khôi phục, tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (cổ đông đang chiếm 39,66% cổ phần) cũng đã chấp thuận cho cán thép Gia Sàng thuê thương hiệu TISCO sản xuất thép cán nóng trong thời gian 3 năm để tạo thêm cơ hội tiêu thụ khi đơn vị này có sản phẩm đưa ra thị trường.

Một phân xưởng bên trong nhà máy cán thép Gia Sàng bị bỏ hoang, hoen rỉ. (Ảnh: Thiên Di)

Theo một thông báo mới nhất được phát ra ngày 28/6/2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/7 - 30/07/2016, gần 300 lao động của doanh nghiệp trước đây hiện chưa tìm được việc làm sẽ được mời quay trở lại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng với vị trí phù hợp với trình độ, năng lực. Thép Gia Sàng đồng thời cam kết, quyền lợi và các chế độ liên quan của người lao động sẽ được bảo đảm đúng quy định hiện hành.

Trước đây, Công ty CP Luyện thép Gia Sàng từng là một biểu tượng của ngành công nghiệp hóa nước nhà.

Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, Công ty thép Gia Sàng đã tụt dốc không phanh. Tài sản trị giá hàng tỷ đồng trong nhà máy bị lấy trộm, tẩu tán. Những dây chuyền luyện cán thép nhập từ Đức trở thành đống sắt hoen gỉ sau tháng năm không ai ngó ngàng tới.

Được biết, tổng khoản nợ của GSS lên tới 121,3 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Đầu năm 2013, công ty này dừng hẳn sản xuất  đẩy 300 công nhân viên lao động lâm cảnh không có việc làm.

Trong khi doanh nghiệp xuống dốc không phanh, lỗ nhiều hơn lãi, thì vào tháng 8/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, bắt giám 3 đối tượng là cán bộ và bảo vệ của Công ty CP Luyện thép Gia Sàng về tội danh: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả đến tài sản. Các đối tượng bị khởi tố là: Lê Xuân Hộ (tức Động), Phó Tổng Giám đốc Công ty; Dương Minh Vang, Phó Quản đốc Phân xưởng cán thép; Đoàn Bá Huấn, Phó Quản đốc Phân xưởng cán thép đều bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Các đối tượng này đã lợi dụng cho xe ô tô tải vào khu vực sản xuất của Công ty với mục đích dọn dẹp vệ sinh nhưng sau đó đã có hành vi vận chuyển trái phép một lượng lớn phôi thép (trị giá 116 triệu đồng) ra ngoài.

Không những vậy lực lượng chức năng cũng phát hiện một khối lượng lớn thiết bị vật tư của công ty bị đánh cắp, thất thoát có giá trị lên tới 917 triệu đồng.

Giờ đây, bên trong những khung cửa hoen rỉ với các trang thiết bị, máy móc luyện thép trơ khung, ngả màu thời gian liệu cái tên “vang bóng một thời” – Thép Gia Sàng dưới dự tương trợ của Công ty CP Thương mại Thái Hưng liệu có thể gồng mình đứng lên tìm lại quá khứ hào nhoáng năm xưa ?

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến