Dòng sự kiện:
Giải mã lời thở than: 'Đang yên đang lành thì tết'
14/02/2018 09:36:39
Tết là ngày đoàn tụ, đoàn viên, dù ai làm gì, đi ngược về xuôi đến bất cứ đâu, cứ mỗi dịp tết đến xuân về thì lòng lại bồi hồi, xốn xang hướng về gia đình mong được sum vầy, đoàn tụ.

“Đang yên đang lành thì lại Tết”

Chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến Tết, không khí ở khắp mọi nơi từ miền xuôi đến miền ngược, từ nam chí bắc đều vô cùng rộn ràng, hối hả. Người người, nhà nhà vội vã tranh thủ hoàn thành xong mọi công việc để sắm sửa và chuẩn bị cho năm mới.

Mặc dù vậy, không ít người Việt vẫn có tâm lý ngại tết, sợ tết, chán tết. Dạo quanh mạng xã hội những ngày gần đây, không khó để nhìn thấy những trạng thái: “Đang yên đang lành thì lại Tết”.

Và đây cũng chính là câu cửa miệng của nhiều người để bày tỏ sự phản đối với Tết. Thực tế, những năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam nên bỏ tết cổ truyền để nhanh chóng bắt kịp với sự văn minh và phát triển của các nước phương Tây. Tuy nhiên, xung quanh ý kiến này vẫn còn rất nhiều tranh cãi chưa có hồi kết.

Tết là để hướng về gia đình và nguồn cội (Ảnh: Internet)

Hãy thử tìm hiểu vì sao nhiều người chán Tết?

Trước hết, gánh lo tiền bạc chính là thứ áp lực đã đè nặng lên vai của nhiều người, từ đó dẫn tới tâm lý lo ngại và sợ tết. Tết là thời điểm cần chi tiêu nhiều nhất, khi có vô vàn các khoản phát sinh. Sắm sửa, trang trí nhà cửa, tiền quà cáp đầu tư cho các mối quan hệ. Đối với ngươi Việt, món quà Tết chính là sự thể hiện lễ nghĩa và tình cảm với người thân yêu, hơn nữa còn là cơ hội mở rộng và kết nối các mối quan hệ ngoại giao trong công việc và xã hội.

Quà gì cho nhà ngoại, quà gì cho nhà nội, và đối với không ít người, câu hỏi đau đầu nhất chính là quà gì cho sếp.
“Giá mà 10 năm mới có tết một lần thì mình cũng sẽ cố để không than thở, nhưng một năm một lần thì nhiều quá. Quá đau đầu vì tiền”, tài khoản facebook Đức Anh chia sẻ dòng trạng thái đầy hài hước.

Lễ lạt và rượu chè bét nhè cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người sợ hãi. Sau mỗi dịp tết ăn uống thả cửa, các chị em thì tăng cân, đây hẳn là nỗi ám ảnh rất dễ hiểu, còn cánh đàn ông thì rượu chè say sưa quên cả thân mình.

“Tết nhất thì phải đi chúc tụng nhiều. Đến đâu cũng lấy chén rượu làm đầu câu chuyện. Chén rượu ngày xuân để chúc nhau những điều tốt đẹp, không ai nỡ chối từ bởi như thế thì bị coi là thiếu chân thành, mất vui. Tôi ngại tết nhất là ở cái chỗ đấy”, anh Minh Hoàng (Thanh Hóa) chia sẻ.

“Tết chỉ thêm mỏi mệt chứ có được gì đâu. Quần quật cả năm làm việc rồi tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi hay đi đâu đó thật xa để tĩnh dưỡng. Nhưng không, là phụ nữ tôi phải lao vào chuẩn bị, sắm sửa đủ thứ. Ngày tết thì lại cả ngày trong bếp nấu nướng, dọn rửa để tiếp khách”, tài khoản facebook tên Thanh Hoa than thở.

Còn bạn Hương Trần (Thanh Hóa) thì chia sẻ: “Tết ngày xưa mình chờ đợi, háo hức bao nhiêu thì tết bây giờ mình thấy tẻ nhạt bấy nhiêu. Nhớ cách đây khoảng 10 năm, tết ở quê mình thật nhiều hương vị. Thời ấy quê mình chưa có điện, chưa có xe cộ nói gì đến điện thoại. Đêm 30, cả làng tập trung đến nhà nào có tivi đen trắng chạy bằng tua bin để chờ xem giao thừa. Thậm chí, ngồi chăm chú quanh chiếc radio để nghe Chủ tịch nước chúc mừng năm mới, nghe tiếng pháo đì đùng qua sóng phát thanh. Dù thiếu thốn nhưng cảm giác ấy thật thiêng liêng và kì diệu.

Quần áo thì cả năm mới được mua một lần nên từ sáng mùng 1, bọn trẻ con đã dậy từ sớm để được mặc quần áo mới đi khoe khắp xóm làng. Cả làng gồm thanh niên, trẻ nhỏ, hay người lớn sẽ tập trung ở một nơi để chơi các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, đánh cồng, đánh chiêng…

Nhưng giờ thì những điều ấy chỉ còn là dĩ vãng. Có lẽ khi cuộc sống ngày càng hiện đại và đủ đầy, thì người ta sẽ dễ dàng tìm thấy các thú vui ở mọi nơi, mọi thời điểm mà không cần đợi đến tết nữa, bởi thế có cảm giác tết đã ít quan trọng hơn rất nhiều”.

Tết là nghĩa tình

Hàng nghìn năm qua, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam và một số dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Lịch sử đã trải qua những bước thăng trầm, ý thức của nhiều người Việt cũng đang dần thay đổi, thế nhưng, trong tâm thức của đại đa số người Việt, tết vẫn là linh hồn của văn hóa dân tộc mà không gì có thể thay đổi.

Những khoảnh khắc giản dị như gói một chiếc bánh chưng cũng là điều mong mỏi của những người ở xa

Bỏ qua những gánh lo cơm áo thực dụng, Tết là ngày đoàn tụ, đoàn viên. Dù ai làm gì, đi ngược về xuôi đến bất cứ đâu, cứ mỗi dịp tết đến xuân về thì lòng lại bồi hồi, xốn xang hướng về gia đình mong được sum vầy.

Còn gì vui hơn khi trở về quê ngày cuối năm, được tất bật chuẩn bị sắm sửa từng giây lạt hay chiếc lá dong, được ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng nghi ngút khói, được thắp nén nhang khấn vái trước bàn thờ gia tiên, được quây quần bên cha mẹ, anh em và xóm làng.

Sau một năm bon chen, ngược xuôi đầy vất vả, khi trở về với gia đình, ta cởi bỏ những muộn phiền, toan tính để được sống trong yêu thương. “Về quê ăn Tết", đó không hẳn là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn, về nơi nghĩa tình.

Có lẽ, không ai mong tết hơn những người già và trẻ nhỏ. Ở các vùng quê, có rất nhiều những người con đi tha hương đến các thành phố lập nghiệp và nhiều khi mải mê theo đuổi giấc mơ của mình đã vô tình quên mất cha mẹ già lầm lũi sống cô quạnh ở quê.

Bởi thế, người già mong Tết để con cháu đoàn tụ, để ngôi nhà lại thắp lên ánh lửa ấm áp của tình thân, với họ, được nhìn thấy con cháu quây quần, nói cười dù trong những khoảng thời gian vài ngày tết ngắn ngủi cũng là niềm hạnh phúc lớn.

Tết này, hẳn có nhiều người Việt vẫn đang xa nhà chẳng thể trở về. Đó là những người lính đang đóng quân ở vùng biên giới, ở miền hải đảo; những người lao động xuất khẩu ở nước ngoài, những người sống cách xa ở hai miền nam – bắc hay cả những người tù tội…

Người xa quê thì day dứt khôn nguôi, còn người thân ở nhà thì đau đáu ngóng trông. Những ngày qua trên mạng xã hội đã xuất hiện clip ghi lại cảnh những lao động xuất khẩu ở Đài Loan đang khóc vì nhớ nhà những ngày giáp tết khiến nhiều người xúc động.

Cuộc sống hiện đại đã ít nhiều thay đổi cách thức và tâm lý đón Tết của chúng ta, khiến nó không còn giống như trong kí ức lúc xưa của nhiều người. Tuy nhiên, Tết với ý nghĩa đoàn viên, sum họp, gắn kết yêu thương thì điều đó mãi không bao giờ thay đổi.

 Lương Diễn

 

 

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến