Dòng sự kiện:
Giải pháp nào cho 50 hộ dân ngụ tạm trái phép ven Quốc lộ 47?
23/10/2020 15:00:19
16 năm trước, các hộ dân nằm trong lòng hồ thủy điện Cửa Đạt đã được Nhà nước đền bù, bố trí nơi tái định cư. Không thích nghi được nơi ở mới, nhiều hộ dân trở về quê cũ sống tạm bợ, bất hợp pháp ven Quốc lộ 47.

Năm 2004, dự án hồ thủy điện Cửa Đạt tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa được triển khai, nhiều hộ dân nằm trong vùng lòng hồ ở xã Xuân Khao, Xuân Liên buộc phải di dời tái định cư. Nhà nước đã cấp kinh phí đền bù, bố trí nơi tái định cư đến các nơi như huyện Như Xuân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa), một số khác đến xây dựng cuộc sống mới tại Tây Nguyên.

Tuy nhiên, một số hộ dân lại không thích nghi được nơi ở mới, quyết trở về quê cũ, dựng nhà sinh sống tạm bợ và trái phép ven Quốc lộ 47, gần bản Lửa, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân. Diện tích đất mà người dân đang sống thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân. Đây cũng là khu vực xã Xuân Khao cũ.

Không có điện, người dân phải dùng bình ắc quy để phát điện thắp sáng

Sống trong ngôi điều kiện thiếu thốn, ngôi nhà tuềnh toàng không tài sản giá trị, ông Vi Hồng Phong cho biết, năm 2004, ông đồng ý di dời đi nơi khác để nhường đất cho thủy điện Cửa Đạt. “Cuộc sống tại nơi ở mới khó khăn, không kế sinh nhai, nên sau một năm tôi đưa gia đình về quê cũ, sống từ đó đến nay”, ông Phong nói.

Cách đó không xa là nhà anh Hoàng Văn Linh, gia đình 9 người trú tạm bợ ven Quốc lộ 47. “16 năm trước, gia đình được đền bù tái định cư 70 triệu đồng, tuy nhiên nhà đông anh em nên sau khi chia đều tiền, chỉ còn mỗi người một ít. Tôi chỉ nhận được một phần nhỏ, không đủ để mua đất làm nhà mới, không thể sống ở nơi mới khi đất đai, nhà cửa không có, không biết làm gì để sống, tôi đành phải quay về”, anh Phong giãi bày. 

Hiện có gần 50 hộ dân với 193 nhân khẩu, trong đó, 31 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Không có đất ở và đất sản xuất, mỗi năm người dân chỉ trồng được 1 vụ lúa chiêm xuân trên diện tích đất bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt với 25ha. Ngoài ra, họ đánh cá, chăn nuôi gia súc, thu hái lâm sản phụ trên khu vực rừng phòng hộ để có kế sinh nhai. Do sống bất hợp pháp, khu vực này không có điện lưới quốc gia, họ cũng không được hưởng chế độ chính sách về nhà ở hay hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, học sinh phải đi học xa rất khó khăn.

Ông Lê Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết, các hộ dân đã cư ngụ bất hợp pháp nhiều năm, cuộc sống vất vả, hơn nữa tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, khó khăn trong quản lý. Xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng do đang thiếu quỹ đất nên không thể bố trí được. Một số nơi đủ điều kiện cấp nhưng manh mún, không thể sản xuất được.

Về vấn đề này, lãnh đạo huyện Thường Xuân cho biết, hiện trên địa bàn xã Yên Nhân không còn quỹ đất để bố trí cho gần 50 hộ dân. Địa phương mong UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét quy hoạch khu vực đất khác và cấp kinh phí đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới, giúp người dân ổn định đời sống.

Năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chu tăng cường quản lý nhân khẩu, đất đai, không để tình trạng phát sinh tăng hộ mới, không để làm nhà cố định tại khu vực trái quy định.

Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý nhân khẩu và đất đai, giao ngành chức năng vận động các hộ nhanh chóng quay về nơi ở cũ để ổn định cuộc sống; phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng phương án hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ dân. Song đến nay, vẫn chưa có phương án nào được đưa ra để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến