Dòng sự kiện:
Giao dịch chứng khoán chiều 24/12: Cổ phiếu vua mang lại niềm vui
24/12/2021 17:37:59
Dòng bank đua nhau khởi sắc đã giúp VN-Index đòi lại những gì vừa mất trong phiên hôm qua khi tăng vọt hơn 20 điểm, vượt qua đường MA20 (1.469 điểm).

Thị trường đã nhanh chóng “bình phục” sau phiên lao dốc mạnh hôm qua với sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechip dẫn dắt. Tuy nhiên, lực bán lại có dấu hiệu gia tăng về cuối phiên, đặc biệt là áp lực chốt lời dâng cao ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khiến VN-Index chỉ còn giữ được đà tăng nhẹ trước khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Diễn biến không mấy khả quan ở cuối phiên sáng khiến thị trường nhanh chóng quay đầu điều chỉnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch chiều, khi sắc đỏ đang chiếm áp đảo trên bảng điện tử cùng việc hạ độ cao của nhóm bluechip.

Tuy nhiên, ngay khi lùi về dưới mốc tham chiếu, lực cầu đã gia tăng mạnh với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường đảo chiều tăng vọt. Biên độ tăng của các cổ phiếu bank càng mở rộng hơn về cuối phiên với nhiều mã khoe sắc tím, đã giúp VN-Index “đòi” lại số điểm để mất trong phiên hôm qua.

Trong bản tin chiều qua, Đầu tư Chứng khoán đã đề cập tới khả năng thị trường sẽ có phiên bật trở lại nhờ chính nhóm cổ phiếu ngân hàng, điều đó đã xảy ra.

Tuy nhiên, qua phiên hôm nay có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng trừ một vài mã như HDBank, TPBank thì hầu hết là bật hồi kỹ thuật với giá tăng tốt nhưng khối lượng không có đột biến. Điểm tích cực là cú tăng khi hầu hết các mã ngân hàng chạm đáy tháng 7 đã khẳng định rằng đây là mốc giá hỗ trợ quan trọng, và thị trường có thể yên tâm hơn với nhóm trụ này. Còn liệu phong độ của nhóm cổ phiếu vua này có được duy trì để giúp thị trường trở lại xu hướng tăng hay không vẫn còn là câu hỏi lớn!

Câu chuyện hiện tại vẫn là sự luân chuyển của dòng tiền, phiên hôm nay ngoại trừ nhóm ngân hàng và có chăng một chút là ngành thép - các mã đã giảm sâu trước đó, thì các nhóm ngành khác cũng không quá tích cực, thậm chí một mã trong VN30 tăng nóng trước đó là là POW đã giảm sàn với khối lượng giao dịch rất lớn gần 70 triệu cổ phiếu, biểu hiện đặc trưng cho phiên phân phối của mã này.

Về mặt kỹ thuật, với phiên tăng này, VN-Index vượt MA 20 và trở lại xu hướng tăng điểm. Trên đồ thị chart tuần thì tuần này, VN-Index có một cây nến giảm rút chân khá dài, các chỉ số kỹ thuật khác vẫn đang ở ngưỡng tích cực cho thấy khả năng giảm điểm mạnh kéo dài chưa sớm xảy ra.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 270 mã tăng và 191 mã giảm, VN-Index tăng 20,07 điểm (+1,38%) lên 1.477,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 889,48 triệu cổ phiếu, giá trị 25.443,55 tỷ đồng, giảm 34,6% về khối lượng và 44,16% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,47 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.399 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh bộ 4 gồm HDB, TPB, SHB, EIB tăng trần, các mã còn lại trong ngành cũng nới rộng đà tăng mạnh.

Cổ phiếu SSB ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,7% lên sát mức giá trần 41.250 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản cũng hơn gấp rưỡi so với mức trung bình 10 phiên gần đây, đạt hơn 3,66 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác trong ngành cũng tăng khá tốt như VPB tăng 5,71%, VIB tăng 3,44%, TCB tăng 3,27%, VCB tăng 2,61%, CTG tăng 2,17%, OCB tăng 4,86%, LPB tăng 5,08%, STB và MSB cùng tăng hơn 2%...

Ngoài ra, một số mã bluechip khác tăng mạnh như NVL tăng 3%, HPG tăng 2,4%, BVH tăng 2%, VNM tăng 1,5%... Các mã lớn khác như VHM, VIC, SAB, FPT, SSI tăng trên dưới 0,5%.

Trong nhóm VN30, chỉ còn 3 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu với PDR giảm 0,3%, KDH giảm 1,4%, đáng kể là POW giảm sàn.

Thông tin quý IV/2021 ước lỗ trước thuế 124 tỷ đồng đã tác động mạnh tới diễn biến cổ phiếu POW sau chuỗi ngày tăng khá nóng trước đó. Kết phiên hôm nay, POW giảm 6,8% xuống mức giá sàn 17.250 đồng/CP, nhưng thanh khoản kỷ lục, lên tới hơn 68,47 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn gần 2,24 triệu đơn vị.

Về nhóm ngành, bên cạnh tâm điểm dòng bank, bộ đôi trụ cột còn lại là thép và chứng khoán cũng có diễn biến khởi sắc hơn trong phiên chiều.

Nhóm cổ phiếu thép vẫn duy trì sắc xanh với HPG tăng 2,4%, HSG tăng 1,7%, NKG tăng 4,9%, TLH tăng 2%, POM tăng 1,4%, SMC tăng 3%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán dù chưa tăng mạnh trở lại nhưng sắc xanh cũng phủ khá kín, cụ thể như HCM tăng 1,4%, VND tăng 1,4%, VCI tăng 1,7%, SSI và BSI nhích nhẹ, FTS tăng 2,4%...

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có tín hiệu tích cực hơn, bên cạnh các mã ở top trên như VIC, VHM tăng nhẹ, NVL tăng hơn 3%, các mã khác DIG, NLG, DXG, DXS, HDC, CTD, SCR… cũng khởi sắc trở lại.

Trái với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, các cổ phiếu vừa và nhỏ đang bị bán ra khá mạnh. Điển hình là POW, LDG, QCG, YEG sau thời gian tăng nóng đã bị xả bán và cùng nằm sàn. Các mã khác như ROS giảm 6,1%, HAG giảm 4,7%, HQC và DLG giảm 3%, ITA giảm 2,7%, TTF giảm 1,4%...

Trên sàn HNX, các cổ phiếu bluechip cũng tiếp sức cho đà tăng mạnh của thị trường.

Đóng cửa, sàn HNX có 131 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index tăng 3 điểm (+0,68%) lên 445,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 115,18 triệu đơn vị, giá trị gần 2.997 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 3 triệu đơn vị, giá trị 110,98 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, cặp đôi bank trên HNX đã tăng khá tốt trong phiên chiều, với BAB tăng 3,2% lên 22.600 đồng/CP, còn NVB tăng 2,1% lên 29.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc hơn với các mã SHS, BVS, MBS cùng tăng hơn 1%,

Ngoài ra, một số mã lớn hỗ trợ đà tăng thị trường có IDC tăng 2% lên 71.400 đồng/CP, KSF tăng 1,5% lên 69.000 đồng/CP, THD tăng nhẹ…

Trong nhóm HNX30, sau 3 phiên liên tiếp mất điểm, TNG đã hồi phục mạnh và là mã tăng tốt nhất trong rổ này khi ghi nhận mức tăng 4% lên 33.800 đồng/CP; tiếp theo đó là VC3 tăng 3,2%, PVC tăng 2,5%...

Ở chiều ngược lại, trong nhóm này chỉ có 7 mã mất điểm, với TAR giảm sâu nhất khi để mất 4,5% xuống mức giá thấp nhất ngày 42.000 đồng/CP, LAS giảm 4,4%, CEO giảm 2,2% xuống mức 58.000 đồng/CP, TVC giảm 1,8%, PVB giảm 1,6%, PVC và VCS cùng giảm 0,4%.

Về thanh khoản, KLF là mã dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 9,58 triệu đơn vị và kết phiên giảm 2,4% xuống 8.000 đồng/CP. Tiếp theo là CEO khớp 9,54 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp điều chỉnh đầu phiên, thị trường cũng đã đảo chiều tăng vọt lên vùng giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,61%) lên 110,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 143,38 triệu đơn vị, giá trị 1.750,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 24,63 triệu đơn vị, giá trị 426,76 tỷ đồng.

Cặp đôi nhỏ KSH và PVX vẫn giao dịch trong sắc đỏ và có thanh khoản vượt trội. Trong đó, KSH giảm 7,8% xuống mức giá 4.700 đồng/CP và khớp 14,81 triệu đơn vị, còn PVX giảm 4,8% xuống 6.000 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là điểm sáng trên UPCoM với ABB tăng 3,9%, BVB tăng 3,36%, VAB tăng 2,3%, PGB tăng 4,6%...

Các cổ phiếu tăng tốt về giá và thanh khoản có BSR tăng 2,2% lên 23.000 đồng/CP và khớp 7,18 triệu đơn vị, VGT tăng 4,5% lên 28.100 đồng/CP và khớp hơn 6 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2201 tăng 20,8 điểm (+1,4%) lên 1.509 điểm, khớp lệnh hơn 135.540 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.910 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng lấn át, tuy nhiên, CHPG2111 vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với 263.410 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 3,7% xuống 260 đồng/cq.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CHPG2118 khớp 203.780 đơn vị và kết phiên tăng 12,7% lên 620 đồng/CQ.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến