Mặc dù thị trường quay đầu điều chỉnh trong 2 phiên gần đây nhưng biên độ giảm không quá lớn cùng thanh khoản sụt giảm, cho thấy áp lực bán không thực sự mạnh và chỉ số giảm có thể là do lực cầu khá yếu. Trong phiên hôm qua (ngày 24/3), chỉ số VN-Index để mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ 1.485 – 1.490 điểm.
Những diễn biến trên khiến nhiều công ty chứng khoán vẫn giữ nguyên kỳ vọng về xu hướng tăng của thị trường. Đặc biệt, CSI còn khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tăng thêm tỷ trọng ở những danh mục cổ phiếu đã có lợi nhuận trong những nhịp chỉnh của VN-Index.
Tuy vậy, nhìn trên đồ thị VN-Index, chỉ số này đã dao động quanh ngưỡng 1.485 điểm hơn 4 tháng vừa qua và thực sự chưa có những dấu hiệu thay đổi. Đây là diễn biến khá giống giai đoạn 2014-2015 và 2019 khi thị trường gần như đi ngang kéo dài, giai đoạn 2014-2015 thị trường dao động quanh khoảng 560 điểm tới 2 năm mới kết thúc để bước vào sóng tăng với đỉnh là cuối năm 2018, còn giai đoạn 2019 thì kéo dài 1 năm biến động quanh ngưỡng 960 điểm rồi đổi xu hướng lao dốc rất mạnh trước thông tin về đại dịch Covid-19, xảy ra đầu năm 2020.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu thị trường đi ngang kéo dài như hiện tại thì cơ hội chỉ tập trung ở một vài nhóm ngành không có tính đại diện cho thị trường, còn để cả thị trường tạo một xu hướng mới (tăng/giảm) thì cần phải có thông tin thực sự nặng ký dẫn đến sự biến chuyển của dòng tiền. Những yếu tố này hiện nay dường như chưa thấy rõ!
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 25/3, thị trường khởi sắc trở lại ngay khi mở cửa và chỉ số VN-Index dễ dàng lấy lại mốc 1.500 điểm dưới sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip.
Tuy nhiên, lực cầu khá yếu khiến thị trường chưa thể tiến bước. Chỉ số VN-Index nhanh chóng quay đầu và biến động lình xình quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh của thị trường nói chung và nhóm bluechip nói riêng.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép đang là điểm yếu của thị trường với sắc đỏ chiếm áp đảo. Chỉ còn một vài mã ở các nhóm này như TPB, EIB, VCI, VDS, TVS, TVB, AGR nhích nhẹ, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu với biên độ giảm khá hẹp như VCB, TCB, BID, CTG, SHB, hay HCM, SSI, VND giảm chưa tới 1%.
Nhóm cổ phiếu nóng tiếp tục hạ nhiệt, như HQC mở cửa giảm điểm và đang hồi phục với mức tăng nhẹ, hay họ An Phát gồm AAA, HII và APH cũng chỉ còn nhích nhẹ trên dưới 1% sau phiên tăng trần hôm qua.
Một số mã bất động sản bùng nổ trong phiên hôm qua như BCG, VGC, PTC cũng đã không còn giữ phong độ trong phiên sáng nay khi rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Trong thời gian gần đây, các con sóng diễn ra khá ngắn. Dòng tiền liên tục luân chuyển qua các cổ phiếu, nhóm ngành và điểm nhấn thị trường trong phiên sáng nay đã chuyển qua cặp đôi nhà Hoàng Huy. Cả TCH và HHS cùng giao dịch sôi động và tăng khá tốt. Trong đó, HHS có thời điểm chạm trần và hiện đang ngấp nghé giá trần, còn TCH cũng tăng trên dưới 4%, với thanh khoản trong top dẫn đầu, chỉ đứng sau cổ phiếu HQC.
Thị trường diễn biến rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại trong bối cảnh phân hóa mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính khiến VN-Index tạm dừng chân trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 216 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index giảm 0,53 điểm (-0,04%), xuống 1.497,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 470,6 triệu đơn vị, giá trị 14.123 tỷ đồng, giảm 12,73% về khối lượng và 9,38% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,47 triệu đơn vị, giá trị 403,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 với sắc đỏ chiếm chủ đạo khi có tới 18 mã giảm điểm, gấp đôi số mã tăng (9 mã).
Trong đó, cổ phiếu lớn họ dầu khí và ngân hàng là gánh nặng chính của thị trường, với GAS giảm 1,8% xuống mức 110.300 đồng/CP và VCB giảm 1,6% xuống 82.200 đồng/CP. Các mã khác như SAB, MSN, SSI, VNM, GVR, BVH, HPG… giảm trong biên độ hẹp, chủ yếu chưa tới 1%.
Ở chiều ngược lại, các mã giao dịch trong sắc xanh cũng với biên độ không quá lớn. Trong đó, MWG là mã tăng tốt nhất là 1,8% và chốt phiên ở mức giá cao nhất ngày 136.400 đồng/CP. Ngoài ra còn có BID, NVL, PLX có mức tăng hơn 1%.
Xét về nhóm ngành, sự đảo chiều hồi phục tích cực của BID đã giúp cổ phiếu này ghi nhận mức tăng tốt nhất của dòng bank. Ngoài BID, một số mã như VPB, HDB, EIB chốt phiên trong sắc xanh với mức tăng chỉ nửa bước giá; còn lại đều kém khả quan với VCB giảm mạnh nhất ngành, TCB, ACB, SHB, TPB, SSB, CTG… giảm chưa tới 0,5%.
Cặp trụ cột còn lại là nhóm chứng khoán và thép cũng không khả quan hơn khi phần lớn vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, với các mã điển hình đầu ngành như SSI, HCM, VND, VCI, hay HPG.
Nhóm bất động sản giao dịch phân hóa, bên cạnh VHM, NVL, KDH, KBC, VCG… nhích nhẹ, thì BCM, DIG, DXG, HDG, NLG… điều chỉnh trong biên độ hẹp.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh điểm nóng NVT, SII tiếp tục giữ vững sắc tím, nhiều mã khác giao dịch khởi sắc với thanh khoản sôi động.
Cụ thể như cặp đôi nhà FLC là ROS và FLC cùng tăng hơn 3% với khối lượng khớp lệnh trên dưới 11 triệu đơn vị, HHS tăng 5,8% lên mức 11.800 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị, TCH tăng 3,5% lên 22.000 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị, OGC và DRH có thời điểm kéo trần và chốt phiên đều tăng hơn 4,5%...
Trên sàn HNX, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, thị trường cũng đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 94 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 1,52 điểm (-0,33%), xuống 461,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,66 triệu đơn vị, giá trị 2.147,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,67 triệu đơn vị, giá trị 10,58 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng không mấy tích cực khi có tới 18 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu TNG tăng tốt nhất là 4,4% và chốt phiên đứng tại mức giá 35.600 đồng/CP.
Các mã tăng tốt khác như TAR tăng 2,6% lên mức 39.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động hơn, đạt hơn 1,1 triệu đơn vị; cặp bất động sản là HUT và IDC cùng tăng 2%...
Trái lại, cổ phiếu NBC giảm sâu nhất trong rổ HNX30 khi để mất 2,8% xuống mức 20.700 đồng/CP; VC3 giảm 2%; PVB, IDV, LHC, NTP, CEO, L14, VCS giảm hơn 1%...
Trong đó, HUT dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 4,72 triệu đơn vị; tiếp đó là PVS khớp 4,42 triệu đơn vị và TNG khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã KLF, MBG, AMV, MST, PVL… cũng đều chốt phiên tăng khá tốt.
Đáng chú ý, bên cạnh VC9 tiếp tục tăng trần, cổ phiếu nóng SDA cũng trở lại với sắc tím và chốt phiên đứng tại mức giá trần 39.400 đồng/CP.
Một mã đáng chú ý khác trong nhóm bất động sản là TIG với thông tin sắp chào bán 30 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/CP để đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Chốt phiên sáng nay, TIG tăng kịch trần lên mức 26.000 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm điểm sau nhịp rung lắc đầu phiên. Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,19%), xuống 117,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70 triệu đơn vị, giá trị 963,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,56 triệu đơn vị, giá trị 227,77 tỷ đồng.
Cổ phiếu vừa và nhỏ trên UPCoM cũng giao dịch khởi sắc và sôi động, như VHG tăng 2,7% lên 11.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 5,36 triệu đơn vị, DXS tăng 2,9% lên 3.600 đồng/CP và khớp 2,91 triệu đơn vị, KHB tăng 4,9%, C4G tăng 3,3%, PXL tăng 12,9%...
Trong khi đó, không chỉ cổ phiếu dầu khí niêm yết mất điểm, các mã trong ngành trên UPCoM cũng giao dịch trong sắc đỏ như BSR giảm 1,5% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 26.700 đồng/CP, OIL giảm 1,1% xuống 18.800 đồng/CP.
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy