Dòng sự kiện:
Giáo dục đừng cải cách nửa vời
07/09/2018 13:15:41
Nhiều người thốt lên, thôi chết, tiếng Việt sao lại bị bóp méo, bị đánh vần oái oăm thế này? Sao C, K, Q lại đọc hết thành 'Cờ' thế này?

Năm 2012, bạn tôi là một tiểu thương tại Hà Nội cùng rất đông phụ huynh học sinh khác đã hò nhau đạp đổ cánh cổng trường Tiểu học Thực nghiệm do giáo sư Hồ Ngọc Đại sáng lập để nộp hồ sơ xin học cho con. Đó là những hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh với công luận.

Khi đó, tôi đã hỏi vì sao chị quyết tâm xin học cho con tại đây? Bạn tôi hồ hởi trả lời, đại để chị nghe nói ở đây trẻ con được học nhanh hơn, tốt hơn mà không nặng nề như ở trường công. Tuy nhiên, do có quá nhiều phụ huynh nộp hồ sơ vào trường này nên con của bạn tôi không còn suất.

Khởi nguồn từ một clip dạy cách đánh vần mới, rất khác lạ được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều người thốt lên, thôi chết, tiếng Việt sao lại bị bóp méo, bị đánh vần oái oăm thế này? Sao C, K, Q lại đọc hết thành “Cờ” thế này?

Và chưa cần biết đúng sai, chưa cần biết nguồn gốc, chưa cần biết phương pháp dạy đánh vần mới này được áp dụng từ bao giờ, có hiệu quả ra sao, không ít người đã dùng mạng xã hội để chửi bới, mạt sát người sáng tạo ra phương pháp học đánh vần này bằng những từ ngữ nặng nề, thô tục. Họ không hề biết, cách dạy đánh vần “lạ” kể trên được áp dụng từ tài liệu Công nghệ Giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên, công trình khoa học này của ông là công trình cấp quốc gia đã được thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng, được Bộ GD&ĐT chấp thuận để các trường học đưa vào chương trình giảng dạy một cách chính thống.

Thật ngạc nhiên, trong làn sóng công kích dữ dội này, bạn tôi - người phụ nữ đã đạp đổ cổng trường Thực nghiệm năm nào giờ đây cũng tham gia “ném đá” rất nhiệt tình. Chị viết rành rọt trên facebook: “Chúng tôi đã khổ cực vì học hành, vì cải cách lắm rồi, đừng vẽ ra nữa để con tôi khổ thêm! Ông giáo sư Đại hãy để chúng tôi yên”.

Tôi chat với bạn rằng, phương pháp dạy đánh vần này đã được áp dụng ở trường Thực nghiệm rất nhiều năm, học sinh tiếp thu rất tốt. Sau nhiều năm thí điểm, hiện nay sách Công nghệ Giáo dục đã được 49 tỉnh, thành đưa vào chương trình dạy chính thống, hiện có khoảng 800.000 học sinh đã và đang học cách đánh vần này. Sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại và phương pháp của ông có nhiều ưu điểm, nó giúp học sinh nắm vững chính tả, không viết sai.

Bạn tôi im lặng hồi lâu rồi phản biện: Ưu điểm thế sao phương pháp dạy này ít được truyền thông để người dân, phụ huynh học sinh biết và nắm rõ. Đến khi cả xã hội bức xúc cũng không thấy lãnh đạo cấp cao nào của ngành Giáo dục đứng ra giải trình trước dân? Nếu tài liệu của giáo sư Hồ Ngọc Đại thực sự tốt, sao hơn 30 năm qua tại sao nó không được chỉnh lý, biên soạn để trở thành bộ sách chính thức thay thế sách cũ. Tại sao sách công nghệ giáo dục lớp 1 có nhiều dẫn chứng, bài học kỳ lạ, gây bức xúc như các câu “bé xách hộ mẹ, mẹ bế bé”...

Tôi khá bất ngờ với lập luận của bạn mình.

Một bài tập đọc gây xôn xao dư luận trong sách giáo dục công nghệ. Nhiều người cho rằng nội dung này không có tính giáo dục, dậy con trẻ sự khôn lỏi. 

Có lẽ, phải đối mặt với quá nhiều áp lực từ công luận vì sự đổi mới liên tục của mình nên Bộ GD&ĐT cũng có phần kém quyết đoán. Bằng chứng là bộ này nhận thấy những ưu điểm từ chương trình Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại nhưng họ không “dám” quyết liệt thay đổi, hoàn thiện nó để có thể thay thế cho sách giáo khoa cũ.

Câu chuyện Công nghệ Giáo dục với những tranh cãi nảy lửa có lẽ còn lâu mới khép lại. Bởi những tranh cãi nếu không được minh định bằng các con số cụ thể thì khó lòng đo đếm được.

Nếu đúng phương pháp dạy cũ, cách đánh vần cũ đã quá lỗi thời, quá nhiều nhược điểm thì chúng ta cần ủng hộ để thay đổi. Nhưng nếu bộ tài liệu Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không thật cần thiết, hoặc chưa được hoàn thiện thì cũng cần xem xét lại.

Giáo dục là nền tảng quan trọng nhất để tạo nên một xã hội tri thức và phát triển. Để tạo nên một xã hội tri thức, chúng ta cần một phương pháp giáo dục xuyên suốt và nhất quán. Nếu cứ mãi cải cách nửa vời thì không biết đến bao giờ chúng ta mới dám mạnh dạn đón nhận cái mới, tốt và gạt bỏ cái cũ, nhược điểm, lỗi thời. 

Theo báo Giao thông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến