Dòng sự kiện:
Giáo dục nặng trí tuệ, nhẹ nhân cách
12/06/2018 08:15:31
Trong thời gian vừa qua ngành giáo dục gần như buông lỏng 2 chữ giáo dục mà chỉ lao vào tập trung cho 2 chữ đào tạo.

Lớp học theo mô hình VNEN tại trường tiểu học Nhật Tân (quận Tây Hồ). Ảnh: Vân Anh.

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 11/6, đại biểu (ĐB) Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, thời gian qua, nhiều phụ huynh tỏ ra rất dị ứng với những từ như “thực nghiệm”, “thí nghiệm” “thí điểm”, điển hình nhất là mô hình trường học mới (VNEN). “Nhiều phụ huynh thắc mắc và đề nghị “đừng đem con tôi ra làm “chuột bạch” thí nghiệm nữa”, ông Tuấn phản ánh.

Thực nghiệm, thí điểm rồi lại thí điểm

Theo ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), thực nghiệm trong giáo dục nghe qua rất nhân văn, cần thiết, nhưng quy định một cách sơ sài như dự thảo Luật Giáo dục là hoàn toàn chưa đầy đủ. Điển hình như mô hình trường học mới (VNEN) được thí điểm từ năm 2012 - 2015, và đến nay đại trà áp dụng cho 54 tỉnh, thành phố.

Thế nhưng kết quả cho thấy nhiều địa phương không muốn con em tiếp tục theo học nên phụ huynh đồng tình và làm đơn xin rút khỏi chương trình này. “Cá biệt có địa phương có 100% phụ huynh đề nghị tạm dừng chương trình. Họ còn thắc mắc rằng tại sao lại đem con tôi ra làm “chuột bạch” thí nghiệm”, ĐB Minh Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi các địa phương phản ứng, chính Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận rằng VNEN đã thực hiện có phần nóng vội. Để khắc phục, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu địa phương nào có đủ điều kiện thì thực hiện, còn tỉnh nào chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai.

“Chúng ta làm thí điểm theo hướng mô hình nào không thành công thì dừng triển khai hoặc đổi. Đó là cách làm của chúng ta, còn học sinh thì không phải học thử mà chỉ có một cửa duy nhất, đó là học thật. Vì nếu học không được thì phải ở lại lớp hoặc theo chương trình khác. Việc học thử nghiệm trong một năm có thể ảnh hưởng đến những năm học sau, từ đó làm ảnh hưởng cả một thế hệ học sinh”, ĐB Tuấn nêu.

Ông Tuấn kiến nghị Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) phải quy định nội dung về thử nghiệm giáo dục theo hướng bổ sung: Ấn định tỷ lệ phần trăm tối đa với cơ sở giáo dục, cũng như quy định chặt chẽ về phạm vi, đối tượng áp dụng thử nghiệm. Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hải (Bình Thuận) bày tỏ sự băn khoăn với quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành.

“Tôi đồng ý với cơ quan soạn thảo là cần thiết phải tổ chức thực nghiệm. Tuy nhiên, cách quy định như trong dự thảo còn rất chung chung, dễ dẫn đến việc áp dụng luật dễ dãi. Tôi đề nghị cần quy định thật cụ thể trong luật các tiêu chí, phương thức thực hiện, phạm vi, đối tượng thực nghiệm, đặc biệt là các chế tài liên quan trong quá trình thực hiện để đảm bảo các chương trình giáo dục sau thực nghiệm đưa vào giảng dạy đã được nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng”, bà Hải đề nghị.

Nặng trí tuệ nhẹ nhân cách

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), một nền giáo dục tốt phải bắt đầu từ tâm thức, sự trăn trở của cả dân tộc, quyết từ bỏ sự thấp bé nhẹ cân của nguồn lực so với những người khổng lồ khác. Thay vì chỉ truyền thụ kiến thức, giáo dục phải dạy cho con người nền tảng, các kỹ năng và phương pháp sống đúng đắn để từ cách sống đó con người khắc biết phải làm gì để “tu thân tại gia” trước khi cống hiến cho xã hội và đất nước.

“Chúng ta không lạ gì cách ra đề tập làm văn yêu cầu tả cảnh biển, cho dù đứa trẻ đó chưa một lần đến biển, nếu bé chỉ viết câu “con chưa từng đi biển nên không biết tả biển ra sao” thì ai cũng đoán được điểm chấm sẽ như thế nào. Nhưng bé đó nếu biết lấy ý tưởng từ sách tham khảo mà đạt được điểm tốt thì đau lòng thay, một khi những bài học đầu đời đã hướng cho trẻ cách làm như thế mà không cảm thấy hổ thẹn thì liệu mầm mống các vấn nạn xã hội có phải từ đây”, ông Nhân dẫn chứng.

Theo ông Nhân, đã đến lúc phải từ bỏ sự cũ kỹ của các phương thức giáo dục và xem xét lại cách thức đánh giá, nhận xét đạo đức hạnh kiểm hiện nay. Chúng ta hãy trả lại cho giáo dục một môi trường vẹn tròn tình yêu thương và luôn được trân quý mà đương nhiên ở đó phải có, làm sao để có được một đội ngũ nhà giáo đủ đầy tâm đức, một thế hệ học sinh tự tin, có phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo với khả năng tự nghiên cứu, học tập suốt đời, ông Nhân nói.

Đồng tình với những phân tích trên, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Phước Hà), đoàn Gia Lai cho rằng, trong thời gian vừa qua ngành giáo dục gần như buông lỏng 2 chữ giáo dục mà chỉ lao vào tập trung cho 2 chữ đào tạo. “Chúng ta có từng nghĩ, tại sao đất nước đang ngày một phát triển mà đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Nguyên nhân từ đâu, do ai và ai là người phải chịu trách nhiệm cho mâu thuẫn này”, ĐB Phước Hà nói.

ĐB Phước Hà cũng cảnh báo nguy cơ “nặng trí tuệ, nhẹ cảm xúc và nhân cách”. “Nếu tiếp tục tiến hóa theo cái cách như vài năm vừa qua qua xu hướng mà giáo dục đang đi thì chả mấy chốc con cháu chúng ta trở thành những con rô bốt vô cảm, thiếu lòng tự tôn dân tộc, sống vị kỷ cá nhân, không dám tự chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình trước cộng đồng và pháp luật”, bà Phước Hà nói.

“Chúng ta có từng nghĩ, tại sao đất nước đang ngày một phát triển mà đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Nguyên nhân từ đâu, do ai và ai là người phải chịu trách nhiệm cho mâu thuẫn này”, ĐB Ksor H’Bơ Khăp

Nên cho phép các giáo viên đứng lớp được dạy thêm đối với những học sinh xếp loại yếu kém do mình trực tiếp quản lý. Riêng với học sinh đã xếp loại xuất sắc và giỏi thì nghiêm cấm việc giáo viên trực tiếp quản lý được dạy thêm. Những học sinh này nếu muốn học thêm để nâng cao trình độ thì phải tự học hoặc có nhà giáo khác kèm riêng, ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk)

Theo Tiền phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến