Dòng sự kiện:
Giáo dục Việt Nam được báo quốc tế đưa tin ra sao trong năm 2017?
14/02/2018 11:11:52
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin dẫn Việt Nam ra làm gương về cải cách và bộ máy giáo dục tinh gọn...

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan lấy Việt Nam ra làm gương về cải cách giáo dục

Ngày 12/7/2017, hãng tin tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết nước này đang cố gắng để thu hẹp khoảng cách kỹ năng với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Thái Lan nhắc đến Việt Nam như một điểm sáng trong khu vực về cải cách giáo dục, nhất là về bộ máy quản lý.

“Hiện Bộ Giáo dục Thái Lan có tới 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường học, trong khi đó Việt Nam chỉ có khoảng 70 người làm trong Bộ Giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin so sánh.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thái Lan thành thật thừa nhận họ đang chật vật để đuổi kịp những quốc gia khác trong khu vực khi nói đến cải cách giáo dục.

Khi cân nhắc nhiệm vụ tạo ra động lực lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan - ông Teerakiat Jareonsettasin đưa ra một câu hỏi: Liệu người ta thích một chiếc xe điện được làm ở Thái hay một chiếc do Tesla sản xuất? "Bạn đang mơ à? Chúng tôi thậm chí còn không thể làm ra một chiếc xe máy", ông Teerakiat nói.

Bộ trưởng Giáo dục thứ 20 của Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin lấy Việt Nam ra làm gương khi nói về cải cách giáo dục (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg)

Bộ trưởng Giáo dục thứ 20 của Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin lấy Việt Nam ra làm gương khi nói về cải cách giáo dục (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg)

Là Bộ trưởng Giáo dục thứ 20 của Thái Lan trong vòng 17 năm, ông Teerakiat cho biết nước này đang cố gắng để thu hẹp khoảng cách kỹ năng với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thách thức của Thái Lan là rất lớn: Xứ sở chùa vàng xếp hạng 54 trong tổng số 70 quốc gia theo kết quả chương trình Đánh giá học sinh Quốc tế 3 năm một lần (PISA) mặc dù giáo dục nhận được khoảng 1/5 trong 2,73 nghìn tỷ bạt (tương đương khoảng 81 tỷ USD) tổng ngân sách hàng năm, một trong những khoản chi tiêu lớn nhất nước. Singapore là nước dẫn đầu trong đánh giá PISA, với Nhật Bản đứng thứ 2, thứ 4 là Đài Loan, Trung Quốc xếp 6 và Việt Nam xếp thứ 8.

Không chỉ nhắc đến Việt Nam trong bảng xếp hạng PISA, người đứng đầu ngành giáo dục Thái Lan còn cho rằng, Việt Nam tốt hơn hẳn Thái Lan ở bộ máy giáo dục. Cụ thể, bộ máy giáo dục của Việt Nam gọn nhẹ gấp rất nhiều lần so với bộ máy quan chức giáo dục tại nước này.

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan thẳng thắn đối sánh trong buổi trả lời phỏng vấn vào tháng 7/2017: "Chúng tôi có 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường học", Bộ trưởng Teerakiat nói, cho thấy một trong những trở ngại chính đối với cải cách có thể chính là quy mô cồng kềnh của Bộ Giáo dục. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có khoảng 70 người làm công việc tương tự trong bộ này”.

Cảnh tốt nghiệp trường "xịn" vẫn thất nghiệp ở Việt Nam trên báo Mỹ

Theo Bloomberg, nhiều sinh viên các trường đại học nổi tiếng ở Việt Nam thất nghiệp do không được đào tạo những kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong đợi.

Câu chuyện chàng trai tốt nghiệp ngành kinh tế của một trường đại học có tiếng ra trường làm nghề chạy xe ôm được tờ Bloomberg dẫn ra để phân tích, bình luận lý do tại sao hàng nghìn cử nhân Việt tốt nghiệp đại học không tìm được việc đúng ngành nghề trong tháng 9/2017.

Chuyện cử nhân đại học Việt Nam đi làm xe ôm lên báo Mỹ.

Chuyện cử nhân đại học Việt Nam đi làm xe ôm lên báo Mỹ.

Mở đầu bài bào, hãng tin tài chính Mỹ dẫn ra câu chuyện chàng cử nhân gác tấm bằng kinh tế đi làm xe ôm.

Hai năm trước, Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp ngành cử nhân kinh tế của một trong những trường đại học danh tiếng nhất Việt Nam. Thế nhưng hiện tại, chàng trai trẻ đang hành nghề chạy xe ôm ở Hà Nội với khoản thu nhập khoảng 250 USD - tương đương hơn 5 triệu VNĐ/tháng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ Đức đã phải làm thêm vất vả để nuôi cậu ăn học (Đức là người con duy nhất trong 3 anh em có cơ hội học đại học). Chàng trai này cũng là một trong hàng nghìn sinh viên Việt Nam không tìm được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo sau khi tốt nghiệp, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chung ở Việt Nam chỉ khoảng 2,3%.

Cử nhân đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lao động trẻ Việt Nam. Nguồn: Bloomberg.

Cử nhân đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lao động trẻ Việt Nam. Nguồn: Bloomberg.

Chàng trai 25 tuổi nói với Bloomberg: “Tại trường đại học, chúng tôi được học các chương trình nặng về lý thuyết, ghi nhớ".

Theo nhận định của Bloomberg, trong khi các trường dạy nghề của Việt Nam trang bị cho học viên các kỹ năng cơ bản để làm các công việc đơn thuần về lắp ráp với mức lương thấp thì các trường bậc cao hơn (đại học và cao đẳng) vẫn chưa giúp các sinh viên chuẩn bị được những kĩ năng cần thiết cho các công việc phức tạp hơn.

Do đó, khi mức lương trong nước tăng lên và công việc sản xuất cơ bản chuyển dịch sang các nước có chi phí thấp hơn, thực trạng này có thể đe dọa tới tham vọng của chính phủ Việt Nam nhằm đưa đất nước trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Ông Scott Rozelle, chuyên gia kinh tế của trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) nhận định: “Các quốc gia phát triển kinh tế thành công có nền giáo dục tương đương các nước phát triển khi còn là những nền kinh tế trung bình. Bằng cách đó, họ không bị mắc kẹt hay sa lầy vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình”.

Chuyên gia Rozelle cho rằng Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển được các trường đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế của họ cần đến lực lượng lao động được giáo dục tốt hơn. Ngược lại, các nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico tăng trưởng chậm lại sau khi đạt đến mức thu nhập trung bình, một phần nguyên nhân là do không đầu tư đầy đủ cho giáo dục.

Theo Bloomberg, chương trình đại học tại Việt Nam còn nặng về lý thuyết, thiếu kiến thức thực tế và kỹ năng thiết thực phục vụ công việc sau này. Các doanh nghiệp không sẵn sàng trả lương cao hơn cho các lao động có bằng cấp nhưng lại thiếu kỹ năng tương xứng.

Cử nhân đại học làm nghề “xe ôm công nghệ” rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa: Lệ Thu).

Cử nhân đại học làm nghề “xe ôm công nghệ” rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa: Lệ Thu).

Số liệu từ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi có trình độ đại học là 17%. Rõ ràng, thiếu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần tới là nguyên nhân khiến nhiều cử nhân không thể tìm được việc làm như ý.

Hãng tin Mỹ dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới cho hay: "Chính phủ đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học. Chúng ta cần cải tổ chương trình giảng dạy để giảm những vấn đề không thực tế".

Việt Nam đã và đang mở rộng số lượng các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc trong thập kỷ qua lên khoảng 450 trường. Chính phủ dự kiến sẽ có 560.000 sinh viên mới nhập học cao đẳng và đại học vào năm 2020, tăng khoảng 8% trong 10 năm.

Theo Viện Khoa học Lao động và Các vấn đề Xã hội, mặc dù tỉ lệ người biết đọc biết viết của Việt Nam là 97%, nhưng năm 2016 chỉ có 1/3 lực lượng lao động có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.

Ở giai đoạn phát triển này, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ngay cả khi năng suất lao động còn thấp. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 6% hàng năm cho đến năm 2019. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thua xa so với các nước khác trong khu vực về việc tận dụng tối đa lực lượng lao động.

Theo Dân Trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến