Dòng sự kiện:
Giáo viên mầm non xin về hưu sớm
19/06/2020 18:20:21
Nhiều chuyên gia ủng hộ việc cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55, thậm chí là sớm hơn nữa.

Trong gần 10.700 ý kiến gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì có tới 96% ý kiến đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55, thậm chí là sớm hơn nữa. Ý kiến này cũng được nhiều chuyên gia ủng hộ tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới tổ chức tại Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Mỗi ngày của cô giáo Phạm Hằng Phương, trường mầm non Nắng Mai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bắt đầu từ 6 rưỡi sáng cho đến 19h chiều. Bên cạnh công việc chuyên môn như dạy các con hát, múa, tập tô tập vẽ, các cô còn tranh thủ làm đồ chơi, sáng tạo đồ trang trí lớp học tạo các không gian sinh hoạt khác nhau như góc đồ thơi, Vườn cổ tích, hoạt động sáng tạo, khu thể thao… Vừa tất bật dạy học, vừa đảm nhiệm các vai trò người mẹ, cho các con ăn, uống, vệ sinh cá nhân… cô Phương tự thấy khó có thể đảm nhận tốt công việc này nếu làm đến năm 60 tuổi theo quy định của Bộ Luật lao động sửa đổi mới đây.

"Cô giáo mầm non mà đến 60 tuổi vẫn hát múa tổ chức hoạt động cho các con thì hơi khó. Nguyện vọng của em là làm đến năm 55 tuổi thôi", cô Phương chia sẻ.

Tại trường mầm non Họa Mi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tất cả các cô giáo đều đề xuất về hưu sớm hơn ở tuổi 50. Cô giáo Phạm Thu Hồng cho rằng, ngành giáo dục mầm non cần được đưa vào danh sách các ngành nghề nặng nhọc, độc hại bởi họ không chỉ dạy học mà còn phải dỗ trẻ.

"Vì các cô giáo trẻ mới nhảy múa hát ca được. Chúng tôi ngoài 50 tuổi trở đi, sức khỏe hạn chế, tất nhiên kinh nghiệm có rất nhiều nhưng sức khỏe đã xuống lắm rồi mà các con cũng thích các cô giáo trẻ trung, xinh đẹp hơn. Tất cả chị em chúng tôi đều mong làm đến 50 tuổi thôi, cả các chị làm quản lý cũng muốn 50 tuổi được về nghỉ chế độ", cô Hồng cho hay.

Theo quy định tại điều 169 Bộ Luật Lao động (sửa đổi), từ ngày 1/1/2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, 55 tuổi 4 tháng đối với nữ, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt độ tuổi 62 đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Cách tính này khiến rất nhiều giáo viên mầm non lo lắng, bởi nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên đến 60, liệu những giáo viên này có thể trụ được đến khi hưởng lương hưu hay không?

Bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh yêu cầu công việc đối với giáo viên mầm non ngày càng cao, vừa phải biết chăm sóc trẻ vừa phải biết xử lý những tình huống xảy ra bất ngờ. Vì thế, nếu giáo viên mầm non ngoài 50 tuổi sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra.

"Đến 60 tuổi là các cô phải đeo kính, mà như thế thì nhìn các cháu rồi xử lý các tình huống là rất khó. Một tiêu chuẩn trong khung đánh giá năng lực là thể hiện khả năng nghệ thuật trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục tức là cô phải xây dựng môi trường giáo dục trẻ giàu tính nghệ thuật trong nhóm lớp và cô phải có tạo hình múa, âm nhạc. Các cháu như trang giấy trắng, rất cần vỗ về an ủi, thậm chí các cháu cũng rất cần bế nữa, tức là tình cảm như người mẹ", bà Thủy chia sẻ.

Với mong muốn nghị định khi đi vào thực thi phải thật khả thi và sát sườn với nguyện vọng, quyền lợi của người lao động, bà Trịnh Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như giáo viên mầm non, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

"Chúng ta cần nghiên cứu và coi đây là một ngành đặc thù, pháp luật cần có quy định khác để giảm tuổi về hưu cho giáo viên mầm non thì chúng ta sẽ đạt được 2 mục đích. Thứ nhất là giúp cho giáo viên mầm non đạt quyền lợi chính đáng hợp pháp hơn khi chính bản thân họ cũng cảm thấy không đủ sức khỏe để làm đến 60 tuổi. Mục tiêu thứ 2 chúng ta sẽ đạt được là trẻ hóa đội ngũ giáo viên mầm non và như vậy cũng nâng cao chất lượng giáo viên mầm non tương lai", bà Hằng cho hay.

Chuyên gia độc lập lao động việc làm, bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Diệu Hồng cho rằng cần tính toán kỹ lưởng về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu bởi điều này liên quan trực tiếp đến chế độ tiền BHXH người lao động được hưởng khi nghỉ hết chế độ sau này.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nêu kinh nghiệm tại một số quốc gia đang áp dụng cách tính này trên thế giới: "Ở các nước khi làm tuổi nghỉ hưu thì người ta gọi là quyền được chậm lại, hoãn nghỉ hưu. Và khi người ta hoãn nghỉ hưu thì sẽ có điểm thưởng. Tức là tôi sẽ nghỉ hưu ở mức độ gì, không phải nghỉ ở tuổi 60 mà là tuổi 65. Nhưng tỷ lệ % của tôi sẽ được cao hơn khi hưởng lương hưu. Như vậy thì việc cống hiến sẽ có rất nhiều ý nghĩa, người ta giỏi người ta sẽ ở lại cống hiến tiếp. Thứ 2 là quỹ bảo hiểm được hưởng lợi và người ta cũng được hưởng lợi nữa là hưởng lương hưu cao hơn".

Lao động còn trẻ mà nghỉ hưu là một sự lãng phí lớn. Thế nhưng với những ngành đặc thù, việc kéo dài thời gian làm việc lại gây khó cho người lao động và giảm chất lượng công việc. Thế nên, luật cũng cần "mở", có sự lựa chọn tuổi nghỉ hưu đối với lao động ở các ngành nghề đặc biệt, độc hại để luật thực sự khả thi ngay khi đi vào thực thi.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến